Kiện toàn đội ngũ phòng chống HIV/AIDS
Lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên nhằm tuyên truyền tốt công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.H
Tình hình bệnh HIV/AIDS ở Quảng Nam đã có dấu hiệu chững lại, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,1% dân số, đạt được mục tiêu đề ra năm 2016. Tính đến cuối tháng 9.2016, tích lũy số trường hợp nhiễm HIV là 932 người, số bệnh nhân AIDS là 530… |
Thời gian qua, tình hình bệnh HIV/AIDS ở Quảng Nam đã có dấu hiệu chững lại, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,1% dân số, đạt được mục tiêu đề ra năm 2016. Tính đến cuối tháng 9.2016, tích lũy số trường hợp nhiễm HIV là 932 người, số bệnh nhân AIDS là 530… Nguyên nhân các ca mắc HIV/AIDS chủ yếu vẫn là lây truyền qua đường máu do dùng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma tuý (chiếm 62%), do quan hệ tình dục 27%...
Theo TS Trần Văn Kiệm, trước tình hình trên, TT đã đẩy mạnh công tác phòng chống HIV/AIDS. Theo đó, ở tuyến tỉnh, TT là cơ quan tham mưu cho Sở Y tế về phòng, chống HIV/AIDS. Tại tuyến huyện, thị xã đều có ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và lãnh đạo ngành y tế làm phó ban trực. Tuyến huyện, xã cũng có cán bộ chuyên trách về phòng, chống AIDS.
“Ngoài ra, có sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng chống HIV/AIDS ở các tuyến. Nội dung truyền thông lồng ghép phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống các tệ nạn xã hội; truyền thông về Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người; về các biện pháp can thiệp giảm hại; về chống kỳ thị phân biệt và đối xử...” - TS Kiệm cho biết.
Tuyên truyền đến tận thôn, xóm
Tại Quảng Nam, trong phòng chống HIV/AIDS, hình thức và đối tượng truyền thông đa dạng, phong phú: Truyền thông trực tiếp qua các thành viên trong nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng; truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu, giao lưu văn nghệ; tuyên truyền qua tờ rơi, pano, áp phích... Đến nay đã cung cấp 15.000 tờ rơi; 5.000 sách mỏng, tài liệu hướng dẫn triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tập huấn cho 530 cán bộ các ban ngành đoàn thể về kiến thức HIV/AIDS, tuyên truyền trên truyền thông đại chúng… Hiện tại 18/18 huyện, thành phố đã triển khai hoạt động can thiệp giảm hại, tập trung chủ yếu là can thiệp trong nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ hoạt động mại dâm. Tỉnh có mạng lưới cộng tác viên phủ khắp các xã/phường và có 20 thành viên nhóm “Tiếp cận cộng đồng” về nghiện chích ma tuý.
Chương trình cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone hiện tại có 347 người tham gia điều trị. Bước đầu, chương trình đã cho nhiều kết quả khả quan trong việc góp phần giảm lây nhiễm HIV, giảm hoạt động phạm tội do tìm kiếm tiền mua heroin.
“HIV/AIDS còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ dễ lây lan ra diện rộng. Thế nhưng hiện nay cán bộ làm công tác này còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt tuyến y tế cơ sở. Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm mạnh (năm 2016 giảm 75% so 2015), làm ảnh hưởng đến việc duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Quảng Nam không có nhiều dự án quốc tế hỗ trợ. Công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ... Mong rằng những khó khăn trong công tác này sớm được tháo gỡ để công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Quảng Nam ngày càng đạt hiệu quả cao hơn” - TS Kiệm bày tỏ.