Trong số 7 bệnh nhân này thì có 5 bệnh nhân uống phải rượu methanol, 1 bệnh nhân súc miệng bằng cồn và 1 bệnh nhân chủ động uống cồn. Hiện vẫn còn có 3 bệnh nhân đang hôn mê. Đa số bệnh nhân đều mờ mắt, giảm thị lực. Theo các bác sĩ, dù đã được cấp cứu tích cực nhưng tiên liệu vẫn có bệnh nhân bị để lại di chứng kéo dài, thậm chí hôn mê dài ngày. Xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân có nồng độ methanol trong máu rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm chống độc cũng cho biết, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chuyển hóa toàn năng (trong máu nhiều axit), mờ mắt, giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp, có bệnh nhân ngừng tim tại tuyến y tế cơ sở.
Một bệnh nhân ngộ độc rượu đang hôn mê sâu (Ảnh Soha)
Theo bác sĩ Nguyên, tình trạng ngộ độc rượu methanol đã được tuyên truyền rất nhiều nhưng người dân vẫn uống rượu vô tội vạ, uống rượu không rõ nguồn gốc nên rất dễ ngộ độc. Theo bác sĩ Nguyên, rất khó phân biệt bằng mắt thường rượu trắng nào là có methanol, rượu nào bình thường. Nếu mua các rượu rẻ, không nhãn mác, trôi nổi ngoài thị trường thì rất dễ bị ngộ độc.
Bác sĩ Nguyên cho biết, ngộ độc methanol cấp có thể xảy ra ngay khi uống rượu nhưng có trường hợp 1-2 ngày sau mới phát tác. Nhiều trường hợp sau 1-2 ngày uống rượu người nhà mới phát hiện nạn nhân hôn mê hoặc mắt mờ thì mới đưa đi cấp cứu.
“Các bệnh nhân ngộ độc methanol thường có nguy cơ tử vong rất cao. Một số người “thoát hiểm” thì cũng chịu ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe như tổn thương não, liệt, mù mắt…” – bác sĩ Nguyên cho biết.
Hơn 10 ngày trước (từ 13-15.2) tại Phong Thổ, Lai Châu đã có một vụ ngộ độc “chum” rượu methanol khiến gần 100 người mắc, trong đó có 8 người tử vong. Xét nghiệm rượu thu được ở hiện trường cho thấy, nồng độ methanol có trong rượu cao hơn từ 4.750-5.560 lần cho phép.