Dân Việt

Giành lại vỉa hè: Ông Phó Chủ tịch Hải có sai khi “ào ào phá dỡ”?

Phạm Mạnh Hà 01/03/2017 11:38 GMT+7
Ở đây việc chính quyền quận 1 (TP.HCM) "ào ào phá dỡ" là làm theo thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo điểm d khoản 2 của Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính, chứ không phải việc "ào ào phá dỡ" đó là để thi hành quyết định xử phạt.

Mấy ngày nay, dư luận cả nước hướng sự chú ý về việc chính quyền quận 1, TP.HCM đang quyết tâm lập lại trật tự văn minh đô thị của thành phố, vốn từ lâu đã bị nhiều cá nhân, tổ chức lấn chiếm nghiêm trọng, là một nguyên nhân gây nên đại nạn ùn tắc giao thông ở thành phố này.

img

Ông Đoàn Ngọc Hải (áo trắng), Phó Chủ tịch UBND quận 1 trực tiếp cùng đoàn công tác đi "đòi lại" vỉa hè cho người đi bộ ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: VNN

Trước sự quyết liệt xử lý vi phạm của chính quyền quận 1, có một số luật sư cho rằng việc "ào ào phá dỡ" của chính quyền quận 1 như vậy là sai, xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè phải thực hiện đúng trình tự thủ tục của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, là đầu tiên quận 1 phải lập biên bản người có hành vi xây dựng trái phép, sau đó ra quyết định xử phạt. Hoặc nếu đã hết thời hạn xử phạt thì ra quyết định khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc người có hành vi xây dựng trái phép tháo dỡ. Nếu không tiến hành tháo dỡ thì mới ra quyết định cưỡng chế. Chi phí cưỡng chế do người có hành vi vi phạm chịu trách nhiệm.

Thế nhưng, theo khoản 2 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện (quận) như sau: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50.000.000 đồng; c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều 28 của luật này".

Như vậy ở đây việc quận 1 "ào ào phá dỡ" là làm theo thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo điểm d khoản 2 của Điều 38, chứ không phải việc "ào ào phá dỡ" đó là để thi hành quyết định xử phạt.

Quyết định xử phạt chỉ có nội dung xử phạt tiền là cần phải theo trình tự xử lý rồi mới cưỡng chế, còn ở đây, những tang vật, phương tiện vi phạm giá trị không quá 50 triệu đồng thì đều bị lãnh đạo quận 1 có quyền tịch thu mà không cần phải theo trình tự xử lý như một số luật sư đã nêu ở trên.

Ở đây một số luật sư đã có sự nhầm lẫn việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm với việc thi hành cưỡng chế quyết định xử lý vi phạm.

Tiếp đến, một số luật sư cho rằng việc chính quyền quận 1 tháo dỡ chốt gác trên vỉa hè của Ngân hàng Nhà nước là sai, vì đây là nơi nằm trong danh mục được canh gác theo Nghị định 37/2009/NĐ-CP. Và Thông tư 20/2010/TT-BCA quy định đối với việc xác định vọng gác tại điều 10 như sau: “Đối với các mục tiêu có bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ, Cục Cảnh sát bảo vệ hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xem xét, xác định cụ thể để bố trí đủ vọng gác thích hợp đối với từng mục tiêu và thống nhất với thủ trưởng cơ quan có mục tiêu về địa điểm đặt vọng gác, bảo đảm phù hợp với cảnh quan và thuận tiện cho việc quan sát bao quát mục tiêu cần bảo vệ”.

img

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Quận1 (TP.HCM) yêu cầu xử lý xe biển xanh đậu trên lề đường. (Ảnh: Q.Khải)

Tuy nhiên lưu ý rằng hệ thống luật của ta là thông tư dưới nghị định, nghị định dưới luật, cho nên đương nhiên Thông tư 20 và Nghị định 37 mà một số luật sư dẫn ra phải tuân theo sự điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ, trong luật đã quy định rõ việc sử dụng vỉa hè tại khoản 1 và khoản 2 Điều 36 là: "Sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố:

1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.

2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông."

Điều 35 khoản 1 thì chỉ quy định các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ là những hoạt động thời gian ngắn.

Như vậy việc sử dụng một phần vỉa hè vào việc khác (như dựng vọng gác của ngân hàng) phải được UBND thành phố cho phép, và chú ý rằng việc cho phép sử dụng vỉa hè làm vọng gác này chỉ là tạm thời. Để dựng vọng gác lâu dài thì cần phải dời vào trong khuôn viên của ngân hàng.

Và nhân đây, cũng xin đưa ra cái nhìn khái quát về vấn đề này như sau:

Một cơ thể muốn thích nghi tốt với môi trường phức tạp xung quanh thì phải có nhiều phản xạ tức thời. Vì môi trường càng diễn biến nhanh thì đòi hỏi cơ thể phải thích ứng nhanh chóng. Mà cách thích ứng nhanh chóng nhất là lập sẵn những phản xạ.

Thì cũng như vậy, một đất nước vốn trăm công nghìn việc chồng chất rất phức tạp, thì để giải quyết cái núi việc ấy người ta phải lập ra những nguyên tắc để giải quyết công việc nhanh chóng, tránh bị dồn ứ. Những nguyên tắc ấy chính là luật pháp.

Thì để luật pháp là những nguyên tắc giải quyết công việc được nhanh chóng, bắt buộc một điều là tất cả mọi người đều phải phục tùng luật pháp.

Mà để mọi người bắt buộc phải phục tùng luật pháp, thì pháp luật bắt buộc phải có tính quyền uy. Điều này cũng có nghĩa là, pháp luật bắt buộc phải làm cho người ta e dè, kiêng nể, thì mới khiến cho người ta buộc phải phục tùng.

Cho nên, đối với những vi phạm đã được quy định trong luật, luật đã công bố cho toàn dân biết, thì cơ quan hành pháp khi thi hành không cần, và cũng không nên tuyên truyền giải thích nhiều nữa, mà cứ việc thi hành cưỡng chế xử phạt.

Bởi với những vi phạm đã rõ ràng thì càng tuyên truyền vận động càng làm giảm tính quyền uy của luật pháp, càng khiến mọi người coi thường pháp luật, nhờn pháp luật mà bất tuân pháp luật. Cho nên, điều này là bắt buộc, để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của mọi người.

Cũng lưu ý "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân", cho nên pháp luật là quyền lực của nhân dân cả nước, tức là của hơn 90 triệu người trao cho cơ quan hành pháp để thay mặt hơn 90 triệu người này thực thi những quy định đã được toàn dân thống nhất.

Cho nên, khi thi hành đúng pháp luật, cơ quan hành pháp luôn có sự ủng hộ của nhân dân cả nước, mà kiên quyết xử lý vi phạm. Những cá nhân vi phạm nên hiểu rằng, chống lại pháp luật là chống lại hơn 90 triệu nhân dân cả nước, chống lại quyền lực của nhân dân.

“Chúng ta nhận được nhiều tin vui như TP.HCM ra quân tháo dỡ, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, rất quyết liệt. Chúng ta cũng nhận được tin vui Hà Nội có kế hoạch thu hồi, tiêu hủy 2,5 triệu xe gắn máy cũ nát và dẹp bỏ lấn chiếm vỉa hè ở một số khu vực nội đô. Việc này không thể làm tất cả ngay, không thể làm đầu voi đuôi chuột nhưng thái độ lập lại trật tự đô thị ở các thành phố lớn là việc hết sức hoan nghênh trong tháng sau Tết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng nay (1.3).