Dân Việt

Làm gì để gắn kết Hội và người viết trẻ?

07/09/2011 15:43 GMT+7
Dân Việt - Trước thềm hội nghị, nhiều mong muốn và những tín hiệu cởi mở được gửi đi từ Hội nhà văn. Dư luận cũng đã phản ánh khá nhiều phản hồi từ những người viết trẻ.

Theo đó, hội nghị là một dịp chứng minh mức độ khả thi của khả năng kết nối giữa Hội và đội ngũ viết văn trẻ đông đảo hiện nay.

Niềm tin mong đón nhận

Dịp hội nghị này, trong phát ngôn của mình, Hội nhà văn, Ban nhà văn trẻ của Hội mong sẽ được lắng nghe những suy tư, kiến nghị của các cây bút trẻ để cùng bản thảo cách thức, chiến lược hỗ trợ tốt hơn cho lực lượng này trong sáng tạo, công bố tác phẩm, xuất hiện trước công chúng…

Trong cuộc họp báo mới đây của Hội, nhà văn Võ Thị Xuân Hà – Trưởng Ban thể hiện niềm tin hội nghị sẽ thành công và hứa rằng ban trẻ sẽ làm hết mình vì sự thành công ấy.

img
Một số đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 7.
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Theo bà Hà, những gương mặt tham dự có nhiều trường hợp khác nhau, từ lựa chọn của ban trẻ, từ giới thiệu của các tỉnh thành, mức độ trưởng thành, đóng góp vào đời sống văn chương trẻ cũng khác nhau, có những người cũng chưa thật nổi trội, nhưng nhìn chung có nhiều nhân tố mới, hứa hẹn những giọng điệu mới và có thể bồi dưỡng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội khẳng định: Lớp trẻ họ cần được nâng đỡ, được phát triển tài năng và tạo những điều kiện để trưởng thành, đóng góp tốt cho xã hội. Ông Thỉnh cũng nói: Chúng tôi sẽ cố gắng để có một không khí cởi mở, dân chủ, vui vẻ và tạo cảm giác về với Hội là về nhà của mình, bởi trước sau các bạn trẻ cũng sẽ là chủ của nền văn học.

Có thể thấy, mở hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, Hội nhà văn thể hiện kỳ vọng lớn và niềm tin vào đội ngũ những người viết trẻ, không chỉ 112 đại biểu góp mặt, được cho là đã lựa chọn rất cẩn thận, mà rất đông những người viết khác nữa. Chính vì vậy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội mong mỏi, tinh thần của hội nghị sẽ lan tỏa tới cả những người không có mặt.

Một trong những mục đích của hội nghị chính là cùng gây niềm cảm hứng lớn để mọi người cảm nhận theo cách riêng của mình. Để rồi sau đó, mỗi người lại trở về với hành trình sáng tạo thăm thẳm, nhọc nhằn và cô độc, đối diện trước trang giấy, nhưng có thể với một niềm tin mới, khí thế mới.

Hoạt động hậu hội nghị: Cơ sở đảm bảo!

Tất nhiên, kỳ vọng, niềm tin được “phát ra” từ phía những người tổ chức và mong có sự “bắt sóng”, cũng như ý thức tham gia hội nghị, những ý kiến trước thềm hội nghị của nhiều cây bút trẻ, đều đã thể hiện một khả năng kết nối tích cực. Còn hiệu quả kết nối đến đâu thì còn phụ thuộc vào rất nhiều việc cần làm sau hội nghị. Chính ở đây, cũng đã cho thấy những suy tư đa chiều của các cây bút trẻ. Có những mong muốn, hy vọng và có những băn khoăn.

Lần đầu tiên tham dự hội nghị, cây bút trẻ Lữ Thị Mai vừa tốt nghiệp Khoa sáng tác lý luận phê bình văn học – Trường ĐH Văn hóa nhận xét: Những ngày qua, nhiều luồng ý kiến khác nhau đã phần nào thể hiện được sự chú ý của dư luận với các cây bút trẻ. Bản thân hội nghị đã là một hình thức quan tâm, tạo ra môi trường cho người viết trẻ gặp gỡ, giao lưu mà trong số đó, có nhiều cây bút đang là sinh viên.

Chị đề xuất: Những người viết trẻ như tôi luôn mong muốn có thêm nhiều cơ hội được giao lưu với bạn viết cùng thế hệ bằng các hình thức như: Tổ chức trại sáng tác, thành lập bút nhóm, mở lớp bồi dưỡng… hoặc thiết thực hơn là hỗ trợ quá trình in ấn, công bố tác phẩm. Còn theo cây bút Nhã Thuyên thì có một thực tế là vẫn không ít cây bút trẻ thờ ơ với Hội.

Chị cho rằng: Nếu Hội muốn làm giảm bớt sự thờ ơ này thì có thể mở rộng các chương trình hội thảo về mọi vấn đề văn học hiện nay như sự phân dòng chính thống-phi chính thống một cách thẳng thắn, không "kiểm duyệt", không né tránh, mở rộng việc giao lưu, trao đổi văn học giữa các nước... Nhã Thuyên khẳng định: Những việc làm cụ thể sẽ khiến cộng đồng văn học nhìn lại những gì đang tồn tại.

Hiện nay, cá nhân tôi chẳng hạn, dù có tiếp xúc với một số nhà văn, nhà thơ trong Hội, tôi hoàn toàn thờ ơ và không biết rõ một hội nghề nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động như thế nào, có vai trò gì, và người viết trẻ có thể tìm được gì có ích cho việc viết lách của họ nếu quan tâm tới nó. Nhã Thuyên cũng cho biết, hiện chị chỉ quan tâm tới các cá nhân và nhóm nhỏ làm việc độc lập mà thôi!

Sắp tới, như quả quyết của Hội về một không khí cởi mở, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến thẳng thắn, ý tưởng hoạt động gửi đến hội nghị. Việc hiện thực hóa những ý tưởng hay, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng sẽ là cơ sở cho một sự gắn kết “thân mật” hơn trong tương lai!