Cuốn sách "Làn khói - Con ngựa chăn bò".
Tôi kể bạn nghe chuyện con Khói chăn bò, trong cuốn truyện cùng tên của Will James vừa được NXB Lao động phát hành mùa Noel 2016. Tôi nhất định phải kể câu chuyện này, như một lời tự hứa, với con gái yêu đang trong độ thiếu thời của mình.
Làn Khói – con ngựa chăn bò thực ra là loại truyện vừa trong series truyện loài vật mà nhóm Kẹp Hạt Dẻ lựa chọn dịch. Nhưng tôi thích gọi nó là tiểu thuyết, bởi nếu bỏ qua dung lượng, những thứ nó mang đã vượt ra ngoài khuôn khổ truyện vừa. Đó là cả một cuộc đời đầy biến động khôn lường, với những trải nghiệm tự thân và xúc cảm đa dạng. Tác phẩm không trình bày một bức tranh hiện thực rộng lớn,mà đi về phía những thân phận hạn hẹp, lột tả những mảnh vỡ của đời tư, đậm chất nội tâm trong sáng – một kiểu truyện mà tôi đang tìm kiếm cho giai đoạn “người lớn trẻ dại” của con mình.
Cái “nhãn quan” của một “người lớn trẻ dại”, chao ôi là khó chiều! Nó cự tuyệt dòng văn học cổ điển nặng nề, chán nản với thơ ca truyền thống, nghi ngờ kiểu hạt giống tâm hồn, thậm chí thờ ơ với tất cả mọi thứ. Để kéo nó trở về với chữ nghĩa, rất cần những thứ vừa phải, trong một tầm với của những người trẻ đang trưởng thành luôn quay cuồng với vô vàn định hướng, phải tự mình vật lộn giữa bộn bề âu lo nhỏ nhặt. Và tôi đã không lầm khi con gái mình mê Khói.
Con ngựa ấy tên là Làn Khói. Là giống ngựa thảo nguyên, lại được sinh ra và lớn lên trên một vùng thảo nguyên bao la nhưng cũng đầy khắc nghiệt, có lẽ vì thế mà con Khói có một vẻ đẹp khoáng đạt, dữ dội, can trường nhưng lại cũng rất tình. Con ngựa hoà nhịp với Clint - người huấn luyện nó - một vẻ gần như là tri âm tri kỉ. Hai trăm tám mươi mốt trang truyện, khoảnh khắc người ngựa gặp nhau thực hi hữu. Tất tật các màn chào hỏi, làm quen, thuần hoá, chế ngự, hiểu nhau, cảm nhau dồn lại trong mấy tháng gặp lần đầu. Sau một diễn biến bất ngờ, cả hai lại biền biệt xa nhau, và cùng khôn nguôi nhớ nhau suốt quãng đời còn lại của mình.
Dịch giả Vũ Danh Tuấn đang ký tặng sách cho các em học sinh ở Thanh Hóa
Trong những tháng ngày xa nhau ấy, cuộc đời Khói biến đổi đến không ngờ. Từ một con ngựa chăn bò, nó trải qua đầy đủ các thân phận, mà thân phận nào nó cũng sống đến tận cùng. Vượt ra ngoài kiếp ngựa kiêu hùng, Khói tiến về kiếp báo xám dữ tợn, rồi lại rẽ sang kiếp nô lệ phục dịch, và cuối cùng nhấn mình xuống kiếp giun dế “thức ăn cho gà”. Đọc nó, người ta không khỏi nghĩ đến cảnh lên voi xuống chó, hỉ nộ ái ố hệt một kiếp người đa truân!
Cũng trong từng ấy thời gian, phía bên này quê hương, Clint vẫn dằng dặc đợi chờ kẻ tri âm đang cách anh gần hai ngàn cây số!
Màn gặp lại, cũng là lần thứ hai người ngựa gặp nhau, không giống như ta tưởng, trong những "happy ending" thường thấy của loại truyện trẻ em. Những nút thắt mở của bi kịch được tiếp tục triển khai, khiến cảm xúc người ta trồi sụt theo mạch truyện.
Clint nhận lại con Khói, trong một thân phận bi đát cùng cực. Anh chàng cao bồi cảm nhận con ngựa già nua tàn tạ, không phải bằng đôi mắt bỏng rát xót thương, mà bằng đôi bàn tay cả đời cầm cương trên lưng ngựa dưới gầm trời. Đôi bàn tay chai sạn cứng qoèo, run rẩy đặt lên cần cổ già cỗi trơ xương của con ngựa gầy, thấy một nỗi giận dữ đau buốt trào lên từng đầu ngón. Đôi bàn tay đã hồi sinh Khói, kéo nó từ cõi chết trở về, cũng là đôi bàn tay đã buông bỏ dây cương – cho dù muôn vàn đau đớn – để con ngựa chạy về phía thảo nguyên, sống lại đúng kiếp ngựa của mình.
Cả hai, Clint và con Khói, đều đã sống một cuộc đời không nuối tiếc, vì nhau.
Vài cuốn trong bộ truyện loài vật của team Kẹp Hạt Dẻ sẽ lấy của bạn và con bạn khá nhiều nước mắt, nhưng có hề gì, khi nước mắt ấy là nền tảng của yêu thương? Con gái trẻ dại của tôi đang qua tuổi thơ hồn nhiên trong sáng, bước vào thế giới người lớn phức tạp và đa chiều, vừa hào hứng vừa bẽn lẽn ngập ngừng. Giống con Khói này, cháu cũng phải vật lộn một mình trước những vấn đề tự thân, cũng phải trải nghiệm, phải vấp ngã, để định hình nhân cách và hoà nhập xã hội. Cháu cũng cần phải thoát khỏi ánh sáng cầu vồng cổ tích, dấn thân vào cuộc sống, biết đứng dậy sau vấp ngã một cách mạnh mẽ hơn, biết sống đúng với bản thân mình dù ở bất kì ngả rẽ nào của cuộc đời.
Văn chương cuốn Khói, tôi cho là đủ sức thu hút bạn đọc mọi lứa tuổi. Giữa muôn trùng sách dịch mì ăn liền, cái cách mà dịch giả Vũ Danh Tuấn chăm chút từng hình ảnh, cân nhắc từng câu chữ, đã tạo cho một người đọc có nghề và khó tính như tôi một lòng tin không diễn giải bằng lời. Một thứ văn chương nắn nót mà vẫn thoải mái, sang trọng mà vẫn thân thiện, thoại thì rất đời mà xúc cảm lại rất thơ. Người ấy, văn ấy, rồi thì còn gắn với nghiệp chữ nghĩa dài lâu.
Con gái tôi mê Khói, và tôi biết chắc chắn rằng từ đây, cháu sẽ tiến gần hơn với văn chương, biết yêu thương nhiều hơn, và cũng sẽ biết hi vọng nhiều hơn.
Tuổi trẻ không thể không là thế, khi muốn đi những bước đi dài.