Dân Việt

Ấn Độ: Vực dậy sau khi bị hãm hiếp, cụt chân và ruồng bỏ

Trà My - The better India 13/03/2017 19:40 GMT+7
Sita từng bị bắt cóc, hãm hiếp và vứt lại trên đường sắt. Bị bỏ rơi bởi chính mẹ đẻ, cô vẫn không ngừng cô gắng và bắt đầu chương mới trong cuộc đời của mình.

img

Câu chuyện của Sita, một cô gái bị hiếp dâm, khuyết tật và sau đó là ruồng bỏ, đã truyền cảm hứng cho nhiều người Ấn Độ

Sau những vụ việc hiếp dâm đau lòng, nạn nhân thường không dễ gì nói ra những điều khủng khiếp mà họ vừa trải qua. Thế nhưng với những cô gái trong loạt bài dưới đây, họ đã sẵn sàng kể về bi kịch của chính mình với mục đích tuyên truyền bảo vệ phụ nữ, thậm chí, có người còn biến câu chuyện hiếp dâm của mình thành bài học và truyền cảm hứng khắp nơi. 

Ngồi trên một chiếc xe lăn, Sita, 23 tuổi, là một biểu tượng của sự can đảm và quyết tâm. Nhìn vào khuôn mặt tươi cười của Sita, không ai có thể tưởng tượng được rằng cô gái này từng trải qua “địa ngục”.

Cô gái khuyết tật đến từ làng Fatehpura, quận Chittorgarh, bang Rajasthan, Ấn Độ từng bị bắt cóc, hãm hiếp, và bị mẹ đẻ bỏ rơi.

Thế nhưng, người phụ nữ trẻ đối mặt với mỗi tình huống khủng khiếp này với sức mạnh và ý chí kiên cường. Không chỉ sẵn sàng đấu tranh giành lại công lý, ngày hôm nay, cô còn cố gắng xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Trước khi bị cưỡng hiếp, Sita từng làm việc tại một công trường xây dựng gần nhà để giúp mẹ kiếm sống. Một lần, cô tranh cãi với một nam đồng nghiệp hung hăng ở công trường. Do không hề sợ hãi, cô thách anh ta gây rắc rối cho cô.

Tức giận trước thái độ ngang ngạnh của Sita, người đàn ông cùng với đàn em đã bắt cóc cô khi Sita trên đường về nhà buổi tối.

img

Ngồi trên một chiếc xe lăn, Sita, 23 tuổi, là một biểu tượng của sự can đảm và quyết tâm

Sau đó, chúng hãm hiếp cô suốt nhiều tiếng đồng hồ trong một chiếc xe di chuyển liên tục. Cuối cùng, nhóm thanh niên ném cô gái bất tỉnh ra đường ray tàu hỏa.

Sita có thể đã chết đêm hôm đó nếu như một người lái tàu hỏa không nhìn thấy cô. Lúc đó, chân của cô đã bị tàu hỏa chèn qua. Người lái tàu gọi cấp cứu đưa cô đến bệnh viện, nơi cô được chữa trị trong 3 tháng.

Tuy được cứu sống, Sita đã phải cắt bỏ đôi chân của mình sau vụ tai nạn. Đồng thời, các tên tội phạm hiếp dâm Sita cũng bị bắt giữ. Trong suốt thời gian này, mẹ của Sita chăm sóc cô cho đến khi xuất viện.

Đáng buồn thay, khi nhận ra thực tế rằng Sita không thể lao động kiếm tiền nữa và cần sự chăm sóc liên tục, mẹ của Sita đã đổi ý.

img

Sita bị cưỡng hiếp tập thể trong nhiều tiếng đồng hồ và sau đó bị ném xuống đường ray tàu hỏa

"Thật khó để nhận ra rằng tình yêu mẹ dành cho tôi là có điều kiện. Tôi đã trở thành một gánh nặng của bà ấy. Tất cả những gì bà ấy quan tâm là tiền bạc”, Sita chia sẻ.

“Vì biết rằng không thể chăm sóc một cô gái tàn tật suốt đời, mẹ tôi đã thỏa thuận với những kẻ hiếp dâm tôi. Bà định lấy tiền để đổi lại sự tự do cho chúng. Tôi không đồng ý và bà đã rời bỏ tôi”, Sita nói đầy đau đớn khi nhớ lại chuyện bị mẹ bỏ rơi.

Nghịch cảnh đã dạy cho con người ta rất nhiều điều. Và Sita đã quyết định mạnh dạn đối mặt với thách thức. Nhận thức được quyền của mình và không ngại nói ra sự thật, cô đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát về mẹ của cô.

Sau đó, vì không có nơi nào để ở, Sita được cảnh sát đưa đến Prayas - một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ những người thiệt thòi. Và qua đó, cô được giới thiệu đến Adharshila Awasiya Vidyalaya, một ngôi trường dân cư dành cho các cô gái dân tộc nghèo.

img

Nghịch cảnh đã dạy cho con người ta rất nhiều điều. Và Sita đã quyết định mạnh dạn đối mặt với thách thức.

Học tập và sinh sống tại Adharshila là điều tốt nhất xảy ra với Sita, vì cô được đọc sách và có thêm bạn bè.

"Tôi rất hạnh phúc khi được học ở trường. Tôi có nhiều bạn bè. Mỗi ngày, tôi đều học được những điều mới mẻ từ việc đọc sách. Ngoài ra, tôi cũng đang học khâu quần áo để có thể trở nên tự lập hơn sau này.

“Tôi thừa nhận rằng có những lúc tôi nhớ quê hương nhưng tôi không hề hối tiếc và đang tận hưởng cuộc sống ở đây”, Sita nói.

Được truyền cảm hứng từ sự dũng cảm của Sita, một nhà báo người Đức đến thăm trường học đã giúp cô có được đôi chân nhân tạo, giúp Sita rất nhiều trong việc đi lại.

img

Các em gái học tập tại trường Adharshila

Tất nhiên, Sita không phải là cô gái duy nhất tại Adharshila có một câu chuyện đầy cảm hứng. Trường Adharshila được thành lập vào năm 2008 nhằm nâng cao trình độ giáo dục cho các cô gái trẻ người dân tộc trong khu vực.

Tỷ lệ biết chữ của đối tượng này năm 2008 chỉ là 3%. Học tập tại Adharshila mang lại cho các em hy vọng cho một tương lai tốt hơn.

"Trường học giúp cô gái trẻ làm quen với môi trường học tập bình thường trước khi được gửi đến một trường công", theo Suman, làm việc tại ký túc xá Adharshila, nơi ở của 56 cô gái.

Bên cạnh học các môn cơ bản như Tiếng Hindi, tiếng Anh và Toán, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí để đảm bảo học sinh phát triển toàn diện. Trên hết, nhà trường đã mang lại cho các em gái thiệt thòi một cơ hội được ước mơ.