Dân Việt

Lương ngày không đủ bát phở, giáo viên nghỉ dạy

08/09/2011 06:19 GMT+7
(Dân Việt) - Sự việc hàng loạt giáo viên mầm non ngoài biên chế ngừng dạy vừa qua là lần đầu tiên xảy ra ở Thanh Hóa. Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến nhiều giáo viên bỏ trường là do chế độ tiền lương quá thấp.

Ngày khai giảng năm học mới, hàng loạt giáo viên mầm non ngoài biên chế ở hai xã Mậu Lâm và Thanh Tân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã đồng thời ngừng dạy.

Lương ngày không đủ một… tô phở

Bà Hoàng Thị Chung - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mậu Lâm, cho biết: Sáng 5.9, nhà trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo kế hoạch, nhưng bất ngờ có 20 giáo viên không đến dự lễ khai giảng. Lãnh đạo nhà trường đã nhiều lần động viên, nhưng họ vẫn không đến trường.

img
Hàng chục giáo viên Trường Mầm non xã Mậu Lâm ngừng dạy đòi tăng lương.

Đến sáng 6.9, tình hình nghiêm trọng hơn vì có toàn bộ 34 giáo viên (hợp đồng) vẫn không vào nhận lớp, mà đồng loạt kéo lên phòng hội đồng để yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết chế độ tiền lương. “Sáng 6.9, toàn trường chỉ có 7 giáo viên (trong diện biên chế) lên lớp dạy”- bà Chung cho biết.

Theo phản ánh của giáo viên đang dạy hợp đồng ở ngôi trường này hiện nay số 34 giáo viên ngoài biên chế đang được hưởng phụ cấp theo Quyết định 2480/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa, là 985.000 đồng/giáo viên/tháng. Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản đóng góp như: BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn và một số khoản đóng góp khác, thì mỗi giáo viên (hợp đồng) chỉ được nhận cao nhất là hơn 500.000 đồng/tháng; thấp nhất là 480.000 đồng/tháng.

Với mức lương thực nhận, bình quân mỗi ngày lương của giáo viên mầm non ở đây chưa đủ tiền mua một tô phở (20.000 đồng). Trong khi đó, họ phải đứng lớp cả hai buổi/ngày.

Cô giáo Bùi Thị Luyến của Trường Mầm non xã Mậu Lâm bộc bạch: “Tôi đã có 29 năm gắn bó với nghề này. Tôi rất yêu trẻ, rất yêu nghề dạy học. Nay kinh tế lạm phát, giá cả tăng cao nhưng tôi cũng chỉ nhận khoản tiền lương trên 500.000 đồng/tháng, ngoài ra không có hỗ trợ gì khác nên đời sống rất khó khăn”.

Tương tự như xã Mậu Lâm, tại xã Thanh Tân cũng có 27 giáo viên của trường mầm non ngừng dạy và đề nghị được tăng phụ cấp và một số chế độ khác. Tình trạng giáo viên bất ngờ bỏ lớp đã gây rất nhiều khó khăn và xáo trộn cho công tác giảng dạy và quản lý học sinh.

Từ huyện đến sở đều... “bó tay”

Ngày 7.9, trao đổi với Dân Việt, bà Cao Thị Thái - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT Thanh Hóa cho biết: “Sự việc hàng loạt giáo viên mầm non ngoài biên chế ngừng dạy vừa qua là lần đầu tiên xảy ra ở Thanh Hóa. Ngay trong ngày 6.9, cán bộ sở đã về làm việc để nắm bắt tình hình tại Trường Mầm non xã Thanh Tân”.

Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: “Chính quyền địa phương cũng thấy mức phụ cấp hiện tại thấp quá. Trước mắt, để động viên chị em quay lại công tác, huyện sẽ giải quyết hỗ trợ trong khả năng của mình đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau. Về lâu dài, huyện đang chờ kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới thông qua Đề án cơ chế chính sách đối với giáo viên mầm non của Sở GDĐT trình”- ông Hùng nói.

Cũng theo bà Thái, hiện nay Thanh Hóa có 13.469 cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc mầm non. Trong đó, số cán bộ, giáo viên, nhân viên ngoài biên chế là 10.335 người, bao gồm: 8.138 người đang hưởng chế độ hợp đồng theo Quyết định 2480/2007 của UBND tỉnh, còn lại là những người thuộc diện hợp đồng với xã và huyện.

Vì sao hơn chục nghìn giáo viên mầm non không được biên chế? Bà Thái giải thích: “Từ năm 2007 đến nay, tỉnh không có kế hoạch tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non”. Cũng cần nói thêm, những giáo viên mầm non hợp đồng với xã, huyện thì mỗi tháng chỉ có mức hỗ trợ từ 250.000-500.000 đồng!

Bà Phạm Thị Hằng - Phó Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa cho biết: “Qua tìm hiểu cho thấy, lý do các giáo viên ngừng dạy là vì chế độ lương quá thấp. Chúng tôi cũng đã giải thích về Đề án về cơ chế chính sách đối với giáo viên mầm non sẽ được xem xét thông qua trong kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, nên các giáo viên cũng yên tâm”.