Dân Việt

Bỗng nhiên đột quỵ não nghi do uống thuốc tránh thai nhiều năm

Hồng Hải 02/03/2017 16:03 GMT+7
Bệnh nhân B.T.K.P (43 tuổi, Hà Nội) được đưa đến BV Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người trái giờ thứ 5 và có tiền sử uống một loại thuốc tránh thai được hơn 4 năm.

BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết bệnh nhân được đưa tới viện lúc 7h40 ngày 21/2 trong tình trạng bị liệt dây thần kinh số VII bên trái (liệt mặt trái), liệt hoàn toàn nửa người trái (cơ lực cả tay và chân trái là 1/5)… dù vẫn tỉnh táo, nhịp tim bình thường, thở êm, không sốt và độ bão hòa oxy máu mao mạch tốt.

Trước đó, từ 3h sáng bệnh nhân đã có dấu hiệu nhưng đến 6h sáng người nhà mới phát hiện tình trạng nói khó, méo miệng và liệt 1/2 người trái của bệnh nhân. Sau khi sơ cứu bằng cách châm kim vào 10 đầu ngón tay hơn 1 tiếng không thấy cải thiện mới đưa đi cấp cứu.

imgBệnh nhân tỉnh táo sau 8 ngày được lấy cục máu đông gây đột quỵ não. Ảnh: C.L

“Lúc này (sau 5 tiếng kể từ khi có biểu hiện - PV) đã quá muộn để chỉ định thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch để xử trí cấp cứu đột quỵ nhồi máu não. May mắn, vẫn trong thời gian có thể can thiệp lấy huyết khối gây bít tắc mạch máu não bằng dụng cụ cơ học qua đường động mạch (dưới 6 tiếng khi bắt đầu có dấu hiệu)”, BS Chính nói.

img

Cục máu gây tắc mạch não được các bác sĩ lấy ra. Ảnh: L.C

Đúng như chẩn đoán, hình ảnh chụp cộng hưởng từ não và mạch não cấp cứu cho bệnh nhân có tổn thương do nhồi máu não cấp tính vì tắc động mạch não và sau 30 phút can thiệp, các bác sĩ đã lấy ra được một mảnh huyết khối nhỏ có chiều dài khoảng 1 cm.

Hình ảnh chụp mạch sau đó cho thấy động mạch não giữa bên phải tái thông hoàn toàn, bệnh nhân không còn liệt dây thần kinh số VII bên trái, liệt 1/2 người trái cải thiện rõ rệt.

Đến nay, sau 8 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không còn dấu hiệu liệt. Theo BS Chính, qua kết quả các chiếu chụp, xét nghiệm, bác sĩ vẫn chưa tìm thấy bất cứ yếu tố nguy cơ nào khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng đột quỵ nhồi máu não. Bệnh nhân có tình trạng tim mạch hoàn toàn, mạch cảnh không có xơ vữa, hẹp hoặc tắc mạch, xét nghiệm mỡ máu, đường máu, HbA1C hoàn toàn trong giới hạn bình thường.

Tuy nhiên, có một điều hết sức quan trọng khiến các bác sĩ nghĩ đến nguyên nhân có thể gây ra đột quỵ não của bệnh nhân là bệnh nhân này sử dụng một loại thuốc tránh thai được khoảng 4,5 năm nay.

"Ở phụ nữ trẻ khỏe mạnh mà không có bất cứ yếu tố nguy cơ đột quỵ não, thì nguy cơ đột quỵ liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai là có dù thấp", BS Chính nhận định.

Những ai có nguy cơ đột quỵ não do thuốc tránh thai?

"Nhưng ở phụ nữ có các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác thì nguy cơ đột quỵ liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai là cao hơn", BS Chính dẫn lời của BS Marisa McGinley (Loyola University Medical Center and Loyola University Chicago Stritch School of Medicine).

Theo đó thuốc tránh thai đường uống làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não gây ra bởi các cục máu đông và chiếm khoảng 85% tất cả các đột quỵ. Nhất là với phụ nữ vừa dùng thuốc tránh thai và vừa hút thuốc lá, có bệnh tăng huyết áp hoặc có tiền sử đau nửa đầu (migraine)... thì nguy cơ đột quỵ còn cao hơn rõ rệt. Không nên khuyến khích những phụ nữ này dùng thuốc tránh thai.

Theo BS Chính, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm khoảng 4,4 trường hợp /100.000 phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Trong một nghiên cứu phân tích gộp, thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 1,9 lần, và làm tăng tỷ lệ độ quỵ lên 8,5 trường hợp trên 100.000 phụ nữ có dùng thuốc.

Tuy nhiên đây vẫn chỉ là nguy cơ thấp; cứ 24.000 phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai thì sẽ có 1 trường hợp đột quỵ não. Vì thế, các bác sĩ khuyến khích phụ nữ trước khi dùng thuốc, trong thời gian dùng thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để kịp thời phòng tránh yếu tố nguy cơ dù rất thấp này.