Liêu xiêu không chỉ vì mưa
Những tháng đầu năm 2017, thời tiết, khí hậu có những diễn biến bất thường – vụ đông xuân ấm, mưa trái vụ... đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất trồng trọt, đặc biệt là sản xuất lúa, cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm. Vụ đông xuân ấm, ít mưa cũng ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển, đặc biệt việc ra hoa, thụ phấn của cây vải tại các tỉnh phía Bắc, nhất là đối với giống vải thiều Thanh Hà – giống chủ lực trong sản xuất vải hiện nay. “Năm nay, nhìn chung, tổng thể ngành trồng trọt không bị ảnh hưởng nặng nề nhưng mưa trái mùa ở các tỉnh phía Nam đã tác động đến tất cả các vùng sản xuất từ đèo Hải Vân trở vào” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá.
Nông dân miền Bắc xuống đồng cấy lúa cho vụ đông xuân. Ảnh: Trần Quang
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến 15.2, cả nước đã gieo cấy được gần 2,85 triệu ha lúa đông xuân, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương đã chủ động phương án lấy nước, tích cực gieo cấy vụ Đông Xuân, nhất là những vùng như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. |
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, đối với cà phê, điều, 20% số lượng hoa trà đầu bị ảnh hưởng, nhưng rất may trong thời điểm hiện nay thời tiết tốt hơn, nắng và khô ráo, thời điểm này đang tập trung ra hoa chính vụ, nên có lợi hơn. Riêng cây tiêu, bệnh chết nhanh chết chậm xảy ra từ lâu, Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt..., nhưng do mưa vào thời điểm này nên dịch bùng phát sớm. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, mưa trái vụ đã khiến bệnh chết nhanh, chết chậm ở cây hồ tiêu tăng nhanh, đặc biệt ở Đăk Lăk. “Năm trước, tỉnh chỉ có vài chục ha hồ tiêu mắc bệnh, nhưng năm nay riêng chết chậm đã lên tới 1.100ha, chết nhanh 580ha (năm ngoái là 20ha)” – ông Dương cho hay.
Với cây điều, ông Dương cho biết, hiện có 27.400ha bị nhiễm bọ xít muỗi, trong đó diện tích nhiễm nặng là 6.000ha (chủ yếu ở Lâm Đồng). Bên cạnh đó, hiện có 33.000ha lúa của 5 tỉnh Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp bị sâu lăn, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 15.000ha (chủ yếu ở Kiên Giang và Long An). “Thời điểm này ĐBSCL đang khô và ít mưa, ẩm độ thấp sâu lăn này bị hạn chế” – ông Dương cho hay.
Trước diễn biến bất lợi cho ngành trồng trọt – lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã giao Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trực tiếp vào Tây Nguyên kiểm tra đánh giá tình hình cho sát thực tế; chỉ đạo các Cục và đơn vị liên quan đưa ra gói kỹ thuật để ứng phó kịp thời, hiệu quả. Bộ trưởng cũng giao các khối, mảng căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng phụ trách và kế hoạch đặt ra, cần bám sát, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa nhiệm vụ của mình với tinh thần người đứng đầu chịu trách nhiệm.
Bám sát tình hình dịch bệnh
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, Cục BVTV, Cục Trồng trọt theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là trên lúa, điều, tiêu, cà phê… để đưa ra những phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả. Cùng với yêu cầu theo sát, dự báo chính xác tình hình sâu lăn đối với vụ đông xuân và hè thu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã giao Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương ĐBSCL bố trí cơ cấu gieo cấy lúa hợp lý, tránh tập trung quá nhiều vào gieo sạ các giống lúa nếp do có thể gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ. Hiện Cục Trồng trọt đã có công văn nhắc nhở để các địa phương quán triệt, phổ biến cho dân, không tăng cơ cấu giống lúa nếp trong vụ hè thu.
Đối với phía Bắc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cục Trồng trọt và Cục BVTV bám sát diễn biến nhiệt độ ở miền Bắc để có kịch bản ứng phó sớm với những diễn biến của thời tiết. “Năm nay có chuyện rất khó xử là 2 tháng đầu rất ấm, tổng tích ôn tăng, nhưng nhìn vào chỉ thị xoan với tre thì diễn biết rất phức tạp, có thể 25.4 trà sớm trỗ, vẫn có khả năng rét nàng Bân; năm nay lại nhuận 2 tháng 6 nên hết sức khó đoán về vụ đông xuân của miền Bắc, phải hết sức thận trọng, để đưa ra kịch bản để ứng phó” – Bộ trưởng Cường chỉ đạo. Với cây nhãn, vải ra hoa muộn, Bộ trưởng yêu cầu, Cục Trồng trọt cần tập trung cán bộ, chủ động hướng dẫn người dân áp dụng các gói kỹ thuật, cố gắng chăm sóc để “dù có giảm một chút về sản lượng, nhưng được giá”.
Bộ trưởng giao Tổng cục Thủy sản chú trọng, tập trung chỉ đạo sản xuất 2 đối tượng chính là tôm, cá tra. Trước mắt, Tổng cục Thủy sản cần sớm hoàn thành kế hoạch tổng thể phát triển ngành tôm theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ giao - tháng 3 Bộ phải trình Chính phủ. Quan điểm của Bộ trưởng là giữ ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 700.000-800.000ha, nhưng tập trung vào các giải pháp: Thâm canh, quảng canh hợp lý, đi vào chuỗi giá trị, kiểm soát và mở thị trường để tạo đà tăng trưởng cho ngành tôm. Về cá tra, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản quan tâm giải quyết câu chuyện về giống, đảm bảo không những đủ giống mà chất lượng giống phải tốt. Theo dự báo, năm nay giá cá tra sẽ duy trì ổn định ở mức cao. Về thị trường, mặc dù có khó khăn ở Mỹ, EU, nhưng Trung Quốc đang có những đơn đặt hàng lớn và cá càng to càng đắt.