Trong ngày, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đi thực tế tại Nông trường cao su Ia Nhin (huyện Chư Păh) và kiểm tra tình hình trồng cây hồ tiêu, cà phê ở các huyện Chư Sê, Chư Pứh. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến tình hình canh tác cây hồ tiêu bị nhiễm sâu bệnh, thiệt hại nặng cho nông dân.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (áo xanh) thăm mô hình tiêu ở Chư Sê
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Gia Lai: Trong những năm qua, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân phát triển hồ tiêu bền vững và khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích. Tuy nhiên, do giá hồ tiêu cao khiến người dân trồng vượt quy hoạch (hiện đã có trên 16.000 ha).
Cùng với đó là tình hình sâu bệnh trên cây hồ tiêu phát triển khá mạnh, gây thiệt hại không nhỏ. Từ thực tế, Sở kiến nghị Bộ xem xét hỗ trợ kinh phí, giúp tỉnh Gia Lai thực hiện dự án “Điều tra khảo sát, bình tuyển giống tiêu, xây dựng vườn tiêu đầu dòng và sản xuất hom giống tiêu sạch bệnh, xây dựng nhà máy chế biến hồ tiêu hiện đại”. Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ sớm thành lập Quỹ bình ổn giá hoặc Quỹ tạm trữ cho ngành hàng hồ tiêu.
Đối với cây hồ tiêu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận xét: Người trồng tiêu do thâm canh quá mức, sử dụng nhiều phân hóa học dẫn đến phát triển không bền vững. Do đó, cần khuyến cáo người dân tăng cường bón phân hữu cơ. Để thực hiện được điều này, các địa phương phải có các biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và sản xuất các loại phân bón hữu cơ.
Mặt khác, chi phí trồng cây hồ tiêu rất cao, trong khi nhiều hộ dân kinh tế còn khó khăn nên các ban ngành cần xem xét, xây dựng quy trình trồng, chăm sóc hiệu quả, tốn kém ở mức thấp nhất hỗ trợ người dân.
Riêng tại Chư Sê đã có một số mô hình trồng tiêu chi phí thấp và bước đầu đem lại hiệu quả. Vậy nên, yêu cầu Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung Tâm nghiên cứu hồ tiêu và các đơn vị có liên quan cần gấp rút khảo sát những mô hình như thế để áp dụng vào thực tế giúp bà con, qua đó, đề xuất sự hỗ trợ thêm từ Bộ NNPTNT.