Dân Việt

Chuyên gia đầu ngành ung thư lo ngại về tác hại của rượu

Diệu Linh 03/03/2017 06:49 GMT+7
Trên mạng xã hội đang xôn xao về thông tin người uống rượu bia dễ đỏ mặt có nguy cơ ung thư cao hơn người có tửu lượng tốt. Tuy nhiên, GS-TS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Trung tâm ung bướu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, rượu bia tàn phá cơ thể của bất kỳ ai, dù đỏ mặt hay không.

Chia sẻ với PV Dân Việt ngày 2.3, GS Khoa cho biết, độ cồn của rượu càng cao, người uống nhiều, uống lâu thì nguy cơ ung thư càng lớn. Theo GS Khoa, cơ chế “đầu độc”, phá huỷ các cơ quan nội tạng, xương khớp của rượu rất đa dạng và không kiêng kị bất cứ bộ phận nào. Các loại ung thư thường gặp nhất ở các bệnh nhân uống nhiều rượu bia, uống lâu năm là vòm họng, thực quản, dạ dày, gan, đại tràng…

Các chất độc có trong rượu sẽ từ từ ngấm vào cơ thể và dần dần tàn phá các cơ quan. Do đó, dù bạn uống rượu mạnh, rượu vang, rượu thuốc… nhiều và lâu dài thì đều bị ảnh hưởng như nhau. Tuy nhiên, mức độ tàn phá của rượu mạnh là “kinh khủng” hơn cả.

img

GS Mai Trọng Khoa (phải) đang xem phim chụp của bệnh nhân ung thư. 

Trước đó, trên mạng đăng thông tin cho biết: “Một bác sĩ đến từ bệnh viện Ung bướu: Không ép người khác uống rượu, đặc biệt là những người bị đỏ mặt khi uống rượu…  Xin nhắc thêm với mọi người rằng người uống rượu bị đỏ mặt là do cơ thể thiếu hụt một enzym có tên gọi là ALDH2 (chất giải rượu), đỏ mặt chính là một triệu chứng của ngộ độc, người uống rượu đỏ mặt có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản hơn người khác từ 16 đến 28 lần”.

Tuy nhiên, theo GS Khoa, các nguy cơ của rượu đối với ung thư đã có bằng chứng rất rõ. Dù uống nhiều hay ít, đỏ mặt hay không nhưng uống trong thời gian dài thì các cơ quan trong cơ thể đều bị ảnh hưởng. Đặc biệt nếu đàn ông vừa hút thuốc, vừa uống nhiều rượu thì nguy cơ ung thư cao hơn gấp nhiều lần chỉ uống rượu.

“Sự tổn hại của cơ thể “chảy” theo đường đi của rượu. Các cơ chế khiến tế bào cơ thể bị phá huỷ và ác tính hoá rất nhiều. Nhưng ghi nhận rõ nhất mà các bác sĩ có thể nhìn thấy đó là khi rượu mạnh vào cơ thể thường làm bỏng, làm cháy các bộ phận như vòm họng, thực quản, dạ dày. Khi đó các bộ phận này bị viêm loét, lặp đi lặp lại nhiều lần và đến lúc phát triển thành ung thư” – GS Khoa phân tích.

Ngoài ra, có thể nhìn thấy rõ nhất là các độc tố trong rượu bắt gan phải làm việc cật lực để khử độc. Khi bị làm việc quá sức, gan mệt mỏi và dẫn đến xơ gan, sau đó rất nhanh chóng tiến triển thành ung thư gan. “Trong 10 bệnh nhân bị các loại ung thư kể trên, khi tôi hỏi về tiền sử ăn uống, sinh hoạt thì gần như cả 10 ông đều thừa nhận đã uống rượu nhiều hoặc lâu năm. Đáng buồn có nhiều bệnh nhân lệ thuộc rượu đến mức cả nhà đang dốc tiền của, tâm trí để cứu chữa bệnh ung thư thực quản cho anh ta thì anh ta vẫn lén uống rượu. Đến khi nhập viện, bác sĩ thấy sực nức mùi rượu mà bệnh nhân vẫn cãi “không uống” – GS Khoa chia sẻ.    

Trước đó, TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K T.Ư cũng chia sẻ, rượu là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cho nam giới Việt Nam. Một số nghiên cứu đã chỉ rõ, đối với một số bệnh ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản thì người uống khoảng 1,5 đơn vị rượu mỗi ngày (mỗi đơn vị rượu bằng 30ml rượu 40%) thì nguy cơ tăng khoảng 5 lần so với những người không bao giờ uống hoặc chỉ thỉnh thoảng uống. Còn uống 2 đơn vị rượu mỗi ngày thì có nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng 9% so với người không uống rượu.

Theo các chuyên gia y tế, mức uống rượu an toàn là không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), 1 cốc bia tươi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Tuy nhiên, dù uống ở mức an toàn mà ngày nào cũng uống và trong thời gian dài thì vẫn có nguy cơ cao mắc ung thư và nhiều bệnh mãn tính khác