Cụ thể, bà Ba Huân nói: “Đại dịch cúm gia cầm năm 2003 rồi năm 2005 gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi gia cầm nước ta. Công ty Ba Huân cũng bị lao đao. Tôi nhìn gà, vịt của nông dân, nhìn trứng gia cầm không tiêu thụ được, chuồng trại xác xơ tôi ứa nước mắt”.
Bà Ba Huân thăm trại nuôi của nông dân ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Thọ
“Qua người quen, tôi quyết định chỉ có con đường nông nghiệp công nghệ cao thì may ra mới chống chịu được với thiên tai, dịch bệnh. Tôi sang Hà Lan, mua công nghệ đắt tiền của hãng Moba để xử lý trứng gia cầm diệt khuẩn tới 99,9%. Giờ các nhà máy tại phía Nam của tôi đã sử dụng công nghệ này. Trong thời gian ngắn tới, nhà máy xử lý trứng gia cầm và thực phẩm sạch của Ba Huân tại Hà Nội sẽ đưa vào hoạt động. Từ tháng 4.2017, người dân Thủ đô và các tỉnh phía Bắc sẽ được sử dụng trứng sạch diệt khuẩn, không lo câu chuyện nhiễm cúm gia cầm nữa” – bà Ba Huân nói.
Cũng theo bà Ba Huân, để chống chọi với dịch cúm gia cầm, người chăn nuôi cần liên kết với doanh nghiệp thực sự có tiềm lực để hình thành chuỗi chăn nuôi khép kín từ trang trại tới bàn ăn. Dịch cúm gia cầm chỉ đáng ngại khi sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chăn nuôi theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ không được kiểm dịch còn nếu như có sự liên kết chặt giữa người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà khoa học thì không phải lo cúm gia cầm.