Các bậc phụ huynh thường phàn nàn về con cái mình: thiếu tự giác, bừa bộn, lười biếng,... và không biết làm thế nào để cải thiện được tình trạng trên mà không trở thành “phù thủy” độc ác trong mắt trẻ.
Hãy học tập và áp dụng 5 phương pháp dạy con của người Do Thái, dân tộc thông minh nhất thế giới để giúp con mình tự tin và cách tổ chức, sắp xếp mọi việc khoa học, hiệu quả nhất.
Ảnh minh họa
1. Tự chủ
Nhiều bậc cha mẹ quá quan tâm và can thiệp sâu vào mọi việc của con cái: quan hệ bạn bè, việc học tập,… Điều này sẽ khiến chúng phụ thuộc và cảm thấy mất tự do. Nên để trẻ nhận thức được rằng: học tập là trách nhiệm của mình chứ không phải là vì bố mẹ.
Trẻ con cần sự khuyến khích và giúp đỡ của bố mẹ chứ không cần người khác quyết định việc học cũng như cách suy nghĩ. Bởi vậy, hãy thường xuyên đưa ra các câu hỏi dạng gợi ý như: con có muốn làm một việc gì đó, mẹ sẽ rất vui nếu con…
Cách đặt vấn đề như vậy sẽ thúc đẩy sự tự chủ và giúp trẻ cảm thấy mình có trách nhiệm và “sức nặng” hơn.
2. Lên thời gian biểu cụ thể
Một biện pháp quen thuộc, nhưng để thực hiện được nó không hề dễ và cho hiệu quả vô cùng tuyệt vời. Bạn nên khuyến khích con trẻ tự lên lịch trình cho mình, sau đó bổ sung và đóng góp ý kiến cho con. Sẽ mất khá nhiều thời gian để chúng tạo lập được thói quen và tự quản lý được thời gian của mình. Nhưng sau đó, chúng ta cùng hưởng “trái ngọt” khi trẻ có thể tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Hãy bắt đầu gợi ý cho con bằng những câu hỏi sau: Con đang gặp rắc rối vì… con có muốn khắc phục nó không? Sáng nay con lại đi học muộn, liệu chúng ta có nên đi ngủ sớm và ăn sáng nhanh không nhỉ?...
3. Giúp con tự tin về khả năng của mình
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của việc suy nghĩ tích cực và lạc quan. Khi gặp một vấn đề trong cuộc sống, nếu nghĩ rằng mình không thể đối phó với nó thì bạn đã bước một chân đến với thất bại. Còn nếu chỉ coi đó là thách thức và suy nghĩ cách xử lý khó khăn thì sự tự tin và chủ động giúp bạn vượt qua trở ngại.
Vì vậy, các giáo viên và phụ huynh Do Thái luôn tập trung tìm ra thế mạnh của trẻ, giúp chúng tự tin và phát huy nó.
Vì vậy, hãy dạy trẻ cách thay đổi cách nghĩ, “mình yếu kém” thành “mình đang thiếu điều gì đó và tìm cách khắc phục”.
Thay vì định từ bỏ hãy giúp trẻ tìm ra một phương pháp, một hướng đi hoàn toàn khác.
Thay vì nghĩ rằng một việc gì đó quá khó hãy tự nhủ: chắc sẽ mất một khoảng thời gian và không ít công sức để xử lý.
Thay vì tránh né và sợ mắc sai lầm, hãy coi đó là bài học và tiền đề của thành công.
4. Dạy trẻ theo dõi sự tiến bộ của bản thân
Hãy dạy cách tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập của mình. Cha mẹ không nên thể hiện thái độ một cách cực đoan về kết quả học tập của con: không khen con quá giỏi, nên khen chúng đã cố gắng rất nhiều, không chê con học kém, hãy chỉ ra cho chúng lý do và cùng tìm cách cải thiện tình hình.
Hãy dạy trẻ cách tự kiểm soát việc học, cha mẹ chỉ nên đưa ra lời khuyên và biểu đạt mong muốn của mình.
5. Tìm ra phương pháp học riêng
Học nhiều và chăm chỉ chưa chắc đã có hiệu quả như mong muốn nếu không có phương pháp phù hợp. Huống hồ, trẻ em luôn bị thu hút bởi các thú vui, trò chơi, ăn uống hơn là việc học.
Vì vậy, đừng gò bó trẻ phải ngồi học quá nhiều, vì chúng đã dành ra phần lớn thời gian ở trường. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, vì vậy khả năng nhận thức, sở thích, tính cách hoàn toàn khác nhau. Cùng trò chuyện để hiểu cách học của con, thói quen tập trung, sở thích,… để cùng tìm ra phương pháp học hiệu quả và “dễ chịu” nhất.
Đừng để việc học trở thành áp lực, hãy khiến con trẻ cảm thấy tự tin và hứng thú với chúng.