Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang
Từ câu chuyện nữ Thứ trưởng
Trước thông tin do một số báo nêu về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã đề nghị bà Thoa và các đơn vị liên quan có báo cáo cụ thể. Trên cơ sở báo cáo của nữ Thứ trưởng và các đơn vị liên quan, Bộ Công Thương đã phát hành thông cáo, khẳng định: “Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, đồng chí Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang; từ năm 2000 đến 2005 là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty và từ 2005 đến 2010 là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty.
Số cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang mà đồng chí Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng”.
Theo thông cáo này có thể hiểu quãng thời gian trước khi được bổ nhiệm, với 18 năm làm việc tại Điện Quang, trong đó có 10 năm liên tục làm người đứng đầu doanh nghiệp là quãng thời gian hình thành nên khối tài sản của bà Thoa.
Nếu so với một số tỷ phú tư nhân “phất” lên chóng mặt gần đây, tỷ lệ giữa quãng thời gian tích tụ và khối tài sản của cựu Chủ tịch – Tổng giám đốc Điện Quang không có gì phải bàn. Điều bất thường là nữ Thứ trưởng là một công chức nhà nước, kể cả thời gian điều hành tại Điện Quang thì cũng chỉ là người đại diện phần vốn cho nhà nước. Cũng chính vì điều này khiến dư luận sốt sắng đòi hỏi phải có câu trả lời vì sao một công chức nhà nước lại có thể làm ra khối tài sản lớn như như vậy?
Sau khi Bộ Công Thương phát đi thông cáo nêu trên về việc kê khai tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Tổng bí thư đã yêu cầu 7 cơ quan, gồm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự đảng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương vào cuộc thanh kiểm tra làm rõ.
Kết luận về trường hợp của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phải chờ các cơ quan chức năng. Nhưng dư luận cũng nên cảm ơn bà Thứ trưởng vì còn công khai sở hữu thay vì để cho các đàn em, đệ tử đứng tên như cách nhiều người vẫn nghĩ các quan chức thường làm. Thông cáo của bộ Công Thương đã nói rõ, trong quá trình công tác tại Bộ Công Thương, tại các bản kê khai tài sản hàng năm, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đều kê khai số lượng cổ phiếu đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.
Tình trạng một số gia đình giàu lên một cách rất nhanh qua quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã được nhìn thấy từ lâu. Nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên có một địa chỉ cụ thể, với “uy tín” cụ thể và khối tài sản định lượng được cụ thể.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thiết nghĩ dư luận cũng nên giữ một thái độ bình tĩnh và khách quan. Nếu thanh, kiểm tra chứng minh được quá trình tích tụ tài sản của bà Thoa và gia đình có khuất tất, khi đó những đối tượng vi phạm đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhưng ngược lại, nếu không phát hiện có vi phạm thì việc làm giàu chính đáng, giỏi giang của một cán bộ, công chức nhà nước cũng nên được ghi nhận, như cách mà xã hội vẫn đang khuyến khích đối với khu vực tư nhân.
Bít "lỗ hổng" cổ phần hóa
Từ trước khi xẩy ra vụ việc liên quan đến nữ Thứ trưởng của Bộ Công Thương, mối quan ngại về việc “biến cổ phần hoá thành tư nhân hóa” đã được đặt ra tại nhiều diễn đàn. Về vấn đề này, trả lời báo Tiền phong về câu chuyện của bà Thoa, ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước đưa ra nhận xét đáng lưu ý.
Theo đó, cổ phần hóa là chúng ta huy động vốn của nhân dân chứ đừng nói tư nhân, là rút vốn nhà nước ở những nơi nhà nước không cần tiếp tục nắm giữ, thay vào đó là huy động vốn đầu tư của toàn xã hội vào sản xuất kinh doanh. Công ty cổ phần là công ty đối vốn chứ không phải công ty đối nhân. Bất kể ai là cổ đông cũng đều được, miễn là pháp luật không cấm người đó là cổ đông.
Dẫn lại như vậy để khẳng định cổ phần hoá là một tiến trình không thể đảo ngược. Đảng, Nhà nước đã và đang đề ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến trình này nhằm huy động sức dân, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vấn đề kiểm soát tiến trình này như thế nào cho minh bạch, để vừa thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước sớm chuyển đổi mô hình hoạt động, vừa đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Theo thông báo của Văn phòng Trung ương, Tổng bí thư cũng đã yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Trục lợi từ cổ phần hoá người ta có trăm phương nghìn kế nhưng dễ nhìn thấy nhất là việc định giá doanh nghiệp. Mới đây, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hôm 17/1, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán về việc định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Theo đó, sau khi kiểm toán, có trên 4. 600 tỷ đồng giá trị vốn Nhà nước tăng thêm tại 6/7 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán. Đơn cử như phần vốn tăng thêm của công ty mẹ tại Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp là hơn 2. 300 tỷ đồng; tại công ty mẹ, Tổng công ty Điện lực dầu khí tăng thêm 2. 050 tỷ đồng.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tài sản nhà nước bị định giá thấp, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều doanh nghiệp khi định giá tài sản của Nhà nước mới chỉ xác định theo phương pháp tài sản, tức tài sản hữu hình, mà chưa định giá thêm phương pháp dòng tiền chiết khấu, tức là tài sản vô hình. Tài sản này bao gồm: thương hiệu, giá trị tăng trưởng hàng năm...
Trong vấn đề này, có thể nói “nóng” nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất. Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá sâu sát hơn việc sắp xếp đất đai trước khi cổ phần hóa. Phó Thủ tướng chỉ rõ, khi thực hiện cổ phần hóa, nhà đầu tư cam kết sử dụng đất đai theo quy hoạch nhưng sau khi cổ phần hóa xong thì lại có chuyện chuyển đổi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch ban đầu.
Do đó, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhà nước gắn với các lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Để nhìn nhận rõ hơn thực tế này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang giao các bộ, ngành nghiên cứu có cho phép doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa được chuyển đổi quyền sử dụng đất hay không? Trường hợp nào được phép và cấp nào có thẩm quyền nào sẽ ra quyết định cho phép chuyển đổi?
Hy vọng với ý kiến chỉ đạo trực tiếp vừa qua của Tổng bí thư, tới đây những “kẽ hở” trong cổ phần hoá sẽ nhanh chóng được bít chặt, trả lại sự minh bạch và niềm tin cho người dân.