Dân Việt

Grab phủ nhận việc kiện chính quyền Đà Nẵng

Đình Thiên 06/03/2017 15:11 GMT+7
“Đến thời điểm này ban lãnh đạo Công ty Grab chưa đưa ra quan điểm gì... Vì vậy không hiểu sao có thông tin chúng tôi sẽ kiện các cơ quan của Đà Nẵng trong thời gian tới. Có phải ai đó cố ý tung thông tin để gây bất hòa?”, người phụ trách marketing Công ty Grab tại TP.Đà Nẵng nói.

Triển khai Grab tại Đà Nẵng là đúng luật (!?)

Như Dân Việt đã có nhiều bài viết thời gian qua về việc UBND TP.Đà Nẵng đã từ chối thí điểm ứng dụng GrabCar và mới nhất, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Công an, Sở Thông tin-Truyền thông (TTTT), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) địa phương có biện pháp ngăn chặn ứng dụng và các xe ô tô hoạt động đón khách theo GrabCar.

img

Ứng dụng GrabCar cài đặt trên xe ô tô 4 chỗ ở Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên

Sau khi Đà Nẵng có văn bản này, có thông tin trên một trang mạng xã hội có tên "Hiệp hội các tài xế GrabCar Đà Nẵng" rằng Công ty Grab sẽ kiện các cơ quan có liên quan của Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân Việt sáng nay (6.3), ông Lê Anh T - phụ trách marketing Công ty Grab tại Đà Nẵng - nói: “Đến thời điểm này, ban lãnh đạo Công ty Grab chưa đưa ra quan điểm gì về việc Đà Nẵng từ chối thí điểm ứng dụng và mới nhất là công văn của Ban ATGT đề nghị các sở: TTTT, Công an và GTVT có các biện pháp ngăn chặn hoạt động của chúng tôi. Vì vậy, không hiểu sao có thông tin chúng tôi sẽ kiện các cơ quan của Đà Nẵng”.

Dù phủ nhận không có chuyện Grab sẽ kiện Đà Nẵng, nhưng vị đại diện của Công ty Grab bày tỏ quan điểm, ứng dụng GrabCar đang triển khai, hoạt động đúng luật.

“Ngày 19.10.2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 1850/TTg-KTN gửi các bộ: Công an, GTVT, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, TTTT… để truyền đạt ý kiến: Đồng ý cho phép triển khai ứng dụng điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh và Đà Nẵng trong thời gian 2 năm”, ông T cho biết thêm.

Liên quan đến việc Ban ATGT TP.Đà Nẵng đề nghị Sở TTTT chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nhà mạng 3G trên địa bàn thành phố thực hiện việc ngăn chặn mọi kênh truy cập vào phần mềm ứng dụng GrabCar, Uber, ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TTTT TP.Đà Nẵng cho rằng, việc này Sở sẽ nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định.

“Về việc ngăn chặn ứng dụng GrabCar trên Internet và các nhà mạng 3G, Sở sẽ nghiên cứu kỹ. Còn hiện phần mềm GrabCar dưới dạng ứng dụng cho điện thoại di động thì đây là một dịch vụ được phép và doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng. Việc một doanh nghiệp đã có tên miền trên mạng mà chúng ta tiến hành chặn thì phải có sự đồng tình từ phía các tổ chức kinh doanh trên môi trường mạng Internet và quan trọng nhất vẫn phải dựa trên luật”, ông Thanh khẳng định.

img

Xe ô tô 4 chỗ đón khách và thu tiền theo ứng dụng GrabCar. Ảnh: Đình Thiên

Người dân có phản đối, có đồng tình

Trong khi đó, sau khi các cơ quan báo chí đăng tải thông tin trên thì rất nhiều người dân đã bày tỏ thái độ khác nhau.

Anh Nguyễn Văn Hải (38 tuổi, du học sinh ở Úc) cho biết, nếu chúng ta quản lý tốt thì Grab hay Uber sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Các khách nước ngoài họ rất quen các ứng dụng này nên khi đến các thành phố có dịch vụ chắc chắn họ sẽ thích hơn các phương tiện khác.

Còn anh Nguyễn Thanh Khoa (Đà Nẵng) thì đặt dấu hỏi: “Tại sao TP.HCM và Hà Nội đã làm được mà Đà Nẵng lại không làm được và ngăn cấm? Trong 2 lần gần đây nhất tôi đi vào TP.HCM, lần thứ nhất đón taxi từ sân bay đến nhà người thân ở quận Bình Thạnh tốn hết 200 ngàn đồng, lần sau vào gọi Grab, chỉ vài phút sau xe có mặt, xe mới, báo giá cước trước luôn, cũng quãng đường đó đi hết 55.000 đồng. Sau lần đó, tôi ấn tượng mãi đến giờ. Chắc chắn rằng khi tôi vào lại TP.HCM, tôi chỉ đi Grab”.

Bên cạnh đó, có ý kiến cũng cho rằng Đà Nẵng chưa cho thí điểm và ngăn chặn Grab, Uber… cũng hợp lý.

Chị Trần Mai Hương,(Đà Nẵng) cho rằng: “Mới thí điểm nên Đà Nẵng có quyền từ chối, khi nào có quy định, luật rõ ràng thì cho phép vẫn chưa muộn. Tôi nghĩ rằng, cứ cho tràn lan rồi ai bảo vệ người tiêu dùng, nếu có chuyện xảy ra. Ai bảo vệ hạ tầng thành phố và giải quyết bài toán giao thông phát sinh bất thường này? Nếu không quản lý được, Grab sẽ lấy giá rẻ để đè chết taxi truyền thống. Sau khi taxi truyền thống bị khai tử thì sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, tăng giá, lúc đó người dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt. Vì vậy chính quyền bình tĩnh, xem xét kỹ và thận trọng cũng nên. Rất nhiều nước phương Tây cũng cấm và hạn chế loại hình này đấy thôi”.