Những ngày qua, dư luận xôn xao và bức xúc trước nhiều vụ việc như một trưởng phòng ở Tiền Giang trộm hơn chục quả trứng, 2 nữ lãnh đạo trường tiểu học ở Hà Nội thiếu trung thực trong vụ học sinh bị gãy chân ở trường, một nữ phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận bị tố bẻ hoa nơi công cộng và có những lời lẽ thách thức công dân... Những vụ việc này cho thấy một bộ phận cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ và tuân thủ quy định về nghĩa vụ, chuẩn mực đạo đức, cần phải chấn chỉnh, xử lý.
“Đối với người bình thường đã phải tốt rồi nhưng công chức càng phải tốt hơn nữa. Bởi cán bộ, công chức, viên chức chính là bộ mặt của nền công vụ đất nước...” - ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói với phóng viên Báo NTNN.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Trước những vụ việc liên quan một số cán bộ, công chức đang khiến dư luận xôn xao, cá nhân ông có suy nghĩ gì?
- Không chỉ có những vụ việc nêu trên, trước đó từng xảy ra việc một vị phó giám đốc trung tâm thuộc Sở Ngoại vụ Hà Nội hành hung một tiến sĩ đã 76 tuổi ngay ngoài đường vì chuyện va chạm giao thông. Trên báo chí cũng phản ánh có những cán bộ, công chức sau khi vi phạm giao thông và bị CSGT xử lý đã quay lại chửi… Những biểu hiện đó cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức của chúng ta. Những việc như vậy gây ảnh hưởng nhiều đến đội ngũ cán bộ, công chức nói chung.
Đối với người bình thường đã phải tốt rồi nhưng công chức càng phải tốt hơn nữa. Bởi người cán bộ, công chức, viên chức chính là bộ mặt của nền công vụ đất nước. Bộ mặt ở đây không chỉ hiểu đơn thuần là ở cơ quan mà còn trong mọi trường hợp ứng xử khác.
Chúng tôi đi nghiên cứu thấy nhiều quốc gia họ rất chú trọng vào việc đào tạo cán bộ, công chức một cách kỹ càng, bài bản. Không chỉ đào tạo để giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà họ còn rất chú trọng đào tạo các quy tắc ứng xử. Từ ứng xử với đối tượng mà mình là người phục vụ, ứng xử với đồng nghiệp với nhau, ứng xử khi ra ngoài xã hội.
Đối với người cán bộ, công chức trước hết phải toát lên nét văn hóa, ở trường học gọi là văn hóa học đường, đối với doanh nghiệp thì là văn hóa doanh nhân, còn các cơ quan hành chính nói chung thì là văn hóa nơi công sở (hay còn gọi là văn hóa công vụ), khi ra ngoài đường là văn hóa nơi công cộng, văn hóa giao tiếp.
Hình ảnh bà N.T.M.H - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận bị một tài khoản Facebook tố bẻ cành hoa mai anh đào ngày 5.3. Ảnh: N.T.A
Là cán bộ, công chức không được nghĩ đơn giản là chỉ cần tốt trong cơ quan, trong giờ hành chính. Hết giờ làm việc ai cũng trở về với cuộc sống đời thường, khi giao tiếp với xóm giềng, bạn bè, cộng đồng, người cán bộ vẫn phải giữ được “chất” để mọi người kính nể. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, người cán bộ càng phải giữ gìn. Anh ra ngoài xã hội mà có những hành động vô ý thức như bẻ hoa trưng bày, cãi lộn, chửi nhau là có thể bị phanh phui, lên án, sẽ làm ảnh hưởng đến bản thân anh, rồi người dân nhìn vào đánh giá “cán bộ giờ thế đấy”.
Tôi đánh giá rất cao việc UBND TP.Hà Nội đã ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đây là tín hiệu rất đáng mừng khi Hà Nội kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương trong ứng xử của cán bộ, công chức. Theo tôi đây cũng là một khâu trong cải cách hành chính, hướng tới việc phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, để hình ảnh cán bộ, chức chức, viên chức đẹp hơn trong con mắt người dân”. Ông Lê Như Tiến |
Chúng ta đã có luật về cán bộ, công chức, viên chức cũng như các nội quy nhưng những chế tài đó dường như chưa đủ mạnh để ngăn ngừa và tránh cho người cán bộ, công chức những lỗi trong ứng xử, thưa ông?
- Có lẽ trong một thời gian dài vì lo toan “miếng cơm manh áo” nên chúng ta xem nhẹ nhiều về việc giáo dục hành vi ứng xử có văn hóa cho đội ngũ cán bộ, công chức và đạo đức công vụ. Đáng lẽ việc này cần phải chú trọng hàng đầu. Như tôi đã nó,i mỗi ngành đều có quy chuẩn đạo đức, có văn hóa công vụ, văn hóa công sở. Đất nước ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày càng cao nên việc ứng xử, hành xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức càng phải được coi trọng.
Để làm được việc này tốt, theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì?
- Trách nhiệm trước hết là của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đã là người đứng đầu anh phải gương mẫu, như nhà giáo dục nổi tiếng Xô - Viết Makarenko đã đúc kết cách đây hơn nửa thế kỷ “gương mẫu là cha đẻ của giáo dục”. Trong cơ quan, những người nào chưa thực hiện được hành vi ứng xử văn hóa, người đứng đầu phải có giải pháp để xử lý, phải thường xuyên nhắc nhở để họ thay đổi từ cách ứng xử với đồng nghiệp cũng như ứng xử với đối tượng mình phục vụ. Ví dụ như ở UBND các phường, xã, các phòng của quận, huyện là những nơi thường xuyên tiếp xúc với người dân, người cán bộ làm việc tại đó phải thể hiện được đạo đức công vụ và hành vi ứng xử, phải biết coi người dân và doanh nghiệp là đối tượng mình phục vụ. Khi ra ngoài xã hội phải biết tôn trọng và chấp hành tốt các chuẩn mực chung trong ứng xử, giao tiếp.
Thứ hai, là các cơ sở giáo dục, các trường hoặc trung tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cũng phải thấm nhuần vấn đề này. Khi đã bồi dưỡng cho cán bộ không chỉ về tập trung cho chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải chú trọng bồi dưỡng cả về đạo đức nghề nghiệp, hành vi ứng xử và kỹ năng giao tiếp ngoài xã hội.
Xin cảm ơn ông!