Dân Việt

"Chẳng có hoa chẳng quà, chúng tôi vẫn đi qua những ngày hạnh phúc.."

Dũ Tuấn 08/03/2017 10:34 GMT+7
Chịu nỗi đau bệnh tật nhưng nhiều phụ nữ ở làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định) vẫn có được cuộc hôn nhân hạnh phúc, dù chẳng hoa, chẳng quà trong mùng 8.3.

Rổ rá cạp lại

Mắc bệnh phong từ nhỏ, bà Đặng Thị Loan (SN 1965) rời vùng quê khốn khó ở Khánh Hòa để tá túc tại làng phong (TP Quy Nhơn) chữa bệnh. Mang bệnh tật trên người nên chưa bao giờ bà dám nghĩ đến hạnh phúc gia đình. Bà Loan kể: “Năm 1980, khi mắc bệnh phong, tôi xin phép gia đình rồi leo lên xe ra đây chữa bệnh. May mắn gặp người cùng chung cảnh ngộ, thương nhau rồi chúng tôi thành vợ chồng chứ không có giấy kết hôn hay cưới xin rầm ran gì cả”.

Thường nhật, đôi bàn chân bà Loan di chuyển rất khó khăn vì căn bệnh phong đã “cướp” đi 1 chân trái, bà phải sống nhờ vào chân giả.

“Cuộc sống ở đây vất vả lắm, gia đình tôi chủ yếu dựa vào đồng tiền hỗ trợ của nhà nước gần 500.000 đồng/ tháng. Dù không hề cưới xin nhưng bù lại có vợ, có chồng để giúp nhau vượt qua khó khăn”- bà Loan chia sẻ.

img

Không cưới xin, ông Trương Văn Tèo và bà Đặng Thị Loan vẫn có cuộc sống hạnh phúc. Ảnh: Dũ Tuấn

Chồng bà Loan, ông Trương Văn Tèo (SN 1970) mắc bệnh phong từ khi còn nhỏ, ông rời quê ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về đây.

“Nói thật để có mái ấm như hôm nay, cả tôi và vợ đều không thể ngờ. Cứ ngỡ là mãi cô đơn nhưng có người hiểu mình, sống chung một nhà nên cảm thấy quên được nỗi đau. Dù chân bị đau, đi lại khó khăn những mỗi ngày tôi vẫn ra biển kiếm cá”- ông Tèo trải lòng.

Có lẽ niềm vui lớn nhất của gia đình bà Loan là khi đứa con trai duy nhất Trương Văn Tài (14 tuổi) cất tiếng khóc chào đời. Đây là động lực để hai vợ chồng bà sống và cố gắng mưu sinh, nuôi con ăn học.

“May mắn là con tôi không mắc bệnh và rất ham học. Tôi chỉ mong cháu ăn học thành tài để thoát khỏi cuộc sống khó khăn như ba mẹ bây giờ”- bà Loan bùi ngùi.

Chẳng cần ngày 8.3 

Đi khắp nẻo đường, chúng tôi hỏi về ngày 8.3 của phụ nữ làng phong có gì đặc biệt không, ai cũng xua tay đáp gọn: “Bình thường như bao ngày, không quà, không hoa”. 

Bà Nguyễn Thị Hồng (48 tuổi) tâm sự: “Tôi mắc bệnh phong từ nhỏ rồi về đây sống, gặp người đàn ông hợp với mình nên dắt díu nhau góp gạo, thổi cơm chung chứ chẳng có cưới xin. Vậy mà vẫn được 2 mặt con, cuộc sống khó khăn nhưng vẫn hạnh phúc”.

img

Bà Nguyễn Thị Hồng đang chăm sóc đàn gà của gia đình. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo lời bà Hồng, đa số phụ nữ ở làng phong đều tự tìm hiểu và đặt niềm tin vào người đàn ông mình tin tưởng, yêu thương chứ không đòi hỏi chuyện cưới xin.

“Ai cũng mang bệnh trong người và từ nhiều nơi khác về đây để sinh sống nên có cưới xin được gì đâu. Đối với những người phụ nữ khác thì đó là nỗi buồn nhưng với chúng tôi thì không. Có thể tìm được một người bạn đời để chia sẻ vui buồn, khó nhọc là đã hạnh phúc lắm rồi. Dù ngày 8.3 không quà, không hoa nhưng chúng tôi đều hài lòng”- bà Hồng cho hay.

img

Bà Phan Thị Hà hạnh phúc lo chuyện bếp núc trong gia đình và nuôi chồng tai biến. Ảnh: Dũ Tuấn

Chồng bị tai biến hơn 1 năm nay, bà Phan Thị Hà (quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam) phải lo toan chuyện nhà và việc tắm rửa, cơm nước cho chồng. Hàng chục năm lặng lẽ trôi, nhưng gia đình bà chưa bao giờ nghe tiếng cãi cọ.

“Chúng tôi không tổ chức đám cưới mà chỉ về xin phép ba mẹ rồi dắt nhau đến nhà thờ ở làng phong làm lễ cho có lệ thôi. Thương nhau thì sống cho đến bây giờ, lúc bệnh tật vẫn cứ mãi bám lấy nhau” - bà Hà nói.

“Làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) có gần 260 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống. Trong đó, có 426 bệnh nhân phong (trên 70% là tàn tật nặng). Ở đây, rất nhiều người đồng cảnh ngộ họ đến với nhau lập mái ấm gia đình, nương tựa nhau vượt qua số phận bất hạnh chứ không hề có giấy kết hôn. Ngày 8.3 hằng năm, Hội đồng bệnh nhân vẫn tặng quà cho phụ nữ làng phong, nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên chỉ có thể tặng khoảng vài chục ngàn đồng/ hộ, chủ yếu là niềm vui”

Ông Trần Công Nghĩa (Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân Phong - Da liễu Quy Hòa )