Những ngày vừa qua, dư luận “sôi sục” trước bộ ảnh của hai người mẫu trẻ trong trang phục kiệm vải, tạo dáng bên hồ "Tuyệt tình cốc" - điểm du lịch đang được yêu thích tại Hải Phòng. Khi bộ ảnh “Tuyệt tình cốc” ở Hải Phòng chưa hạ nhiệt, thì trên mạng xã hội lại xuất hiện bộ ảnh hai cô gái trẻ mặc trang phục "hở táo bạo", tạo dáng khiêu khích trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng... được cho là “Tuyệt tình cốc” phiên bản Sài Gòn.
Những hình ảnh trong bộ ảnh được cho là giống ý tưởng bộ ảnh "Tuyệt tình cốc" ở Hải Phòng, do ê kíp Sài Gòn thực hiện.
Ngay khi được chia sẻ trên mạng xã hội, hai bộ ảnh “nóng” lan truyền chóng mặt và tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, bộ ảnh chụp hai thiếu nữ quá hở hang, không đồng tình việc họ chụp ảnh lộ liễu tại địa điểm du lịch, nơi công cộng. Có luồng ý kiến khác lại háo hức, chờ đợi những bộ ảnh sexy, lạ độc…
Xoay quanh sự việc này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện cởi mở với nhà văn Nguyễn Quang Vinh, một cây bút lão làng rất thẳng thắn và đầy cá tính.
"Những bức ảnh này có làm bạn thấy bị xúc phạm không?"
Dư luận đang xôn xao với bộ ảnh hai thiếu nữ ở Hải Phòng trong trang phục hở bạo, tạo dáng nhiều tư thế gợi cảm. Bản thân ông thấy bộ ảnh đang gây tranh cãi này như thế nào?
- Tôi thấy đẹp. Đây là một bộ ảnh được tạo hình công phu, kỹ lưỡng, cẩn thận, cả về phục trang, cả về bối cảnh, cả về bố cục, ánh sáng, và chọn mẫu đẹp. Điều đó chứng tỏ ê kíp tạo ra bộ ảnh này không phải để chơi cho vui, không phải để khêu, để gợi, để “chém gió”, họ muốn làm những bức ảnh nghệ thuật theo cách của họ, đúng cảm xúc của họ, không úp mở, không giả vờ giả vịt.
Tạo sao lại tranh cãi khi ai cũng phải dừng lại ngắm những bức ảnh này? Những bức ảnh này có làm xao lòng cảm xúc của bạn không? Có. Những bức ảnh này có làm bạn phải dừng mắt để ngắm không? Có. Những bức ảnh này có xô đẩy bạn vào cảm xúc tối tăm không? Không. Những bức ảnh này có làm bạn thấy bị xúc phạm không? Không. Thế thì mắc mớ chi phải phê phán nhỉ?
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
Có thể có người thích, rất thích, có người thấy không thích, vì đó là bộ ảnh chứ không phải người ta đứng trên sân khấu, không phải người ta quảng bá lung tung, người ta tới một nơi hoang sơ ấy, rất đẹp ấy, người ta chụp một bộ ảnh theo cách của người ta, không sao cả. Tôi thấy chả gì phải tranh cãi, lại không thể phê phán, lại không thể nâng tầm đạo đức ở bộ ảnh này, nó đẹp, vậy đó!
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, bộ ảnh chụp bị phô, phản cảm, cốt chỉ để… khoe thân thể, “câu” sự chú ý độc giả là chính?
- Ơ kìa, mẫu đẹp thì người ta có quyền khoe hình thể, khoe dáng, người ta có quyền làm abum, sao lại chê là khoe? Người đẹp, đặc biệt vóc dáng đẹp thế không khoe ra thì giấu đi à? Tôi cũng chả thấy có gì phản cảm. Nó còn kín đáo, còn gợi tình, còn xúc cảm ngàn lần so với ảnh khoả thân ấy chứ, sao cứ phải xét nét cho tội tình mình ra thế? Nói lại, đây là một bộ ảnh đẹp.
“Tự do cá nhân khác với lố bịch và lập dị”
Sau bộ ảnh "Tuyệt tình cốc", trên mạng lại xuất hiện bộ ảnh gần giống thế với phiên bản ở Sài Gòn. Ông có nghĩ rằng việc này có thể trở thành “trào lưu” chụp ảnh… khoe thân trong giới trẻ? Trào lưu này ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ?
- Đừng lo lắng đến như thế. Một thời, nhiều phụ nữ đã thuê thợ ảnh giỏi, chụp một bộ ảnh loã thể cho mình để ghi dấu kỉ niệm tuổi thanh xuân. Họ có quyền. Đây là sở thích cá nhân, mình cần tôn trọng. Các bạn trẻ họ chơi thì để họ họ chơi đi, đừng lấy thước đo đạo đức với nỗi lo lắng này nọ chen vào, đánh giá, chụp mũ, phê phán các em. Chả ai theo chụp ảnh tới độ bỏ ăn, bỏ mặc, bỏ công, bỏ việc đâu mà lo. Mỗi người có một cách thư giãn. Tôi xấu trai, già, tôi thư giãn bằng cách nằm đọc sách. Các bạn trẻ thư giãn bằng cách tạo cho mình một abum ảnh, lưu giữ tuổi trẻ, hoặc đi phượt…đừng ngăn cản và càng không nên phê phán.
Hiện nay, có không ít cô gái trẻ có suy nghĩ sai lầm rằng cứ hở là… đẹp, cứ khoe là… nhanh nổi tiếng. Thậm chí, có người bất chấp mọi cách để nổi tiếng. Ông có nghĩ rằng việc bất chấp tai tiếng để nổi tiếng, sẽ để lại hậu quả?
- Vấn đề này thì lớn rồi đây. Chụp bộ ảnh kỉ niệm thì được, lưu dấu tuổi trẻ thì được, nhưng mang phục trang ấy, những bộ quần áo chỉ dùng cho góc ảnh riêng ấy mà ra đường, mà ra phố, mà lên công sở, mà vào chỗ đông người, mà lên sân khấu thì chắc chắn là cần phê phán.
Hình ảnh hai mẫu trẻ trong bộ ảnh "Tuyệt tình cốc" ở Hải Phòng gây tranh cãi.
Nhưng đừng lo, công chúng họ biết chọn lọc, nếu anh quá đà thì công chúng la ó, quay lưng. Nếu anh ăn mặc bặm trợn, lệch chuẩn thì xã hội người ta sẽ dễu cợt, thậm chí la ó, anh cũng chả chịu đựng nổi. Tự do cá nhân khác với lố bịch và lập dị. Đừng nhầm lẫn. Mà nếu thấy các bạn nhầm lẫn thì cha mẹ, đồng nghiệp, báo chí phê phán đích danh.
Anh chơi nhưng không làm ảnh hưởng môi trường quanh anh là được, không biến anh thành trò hề là được…Còn cô cậu nào đó lại lập dị để mong nổi tiếng thì chính họ tự gánh lấy hậu quả thôi, như gây bão trong cốc thôi, chả cần lo lắng thì nó cũng nhanh tan.
“Tôi luôn bị dại khờ trước giọng nói của phụ nữ…”
Dưới góc độ của một nhà văn, ông đánh giá vẻ đẹp phụ nữ Á Đông qua các yếu tố nào?
- Tôi bị phụ nữ hớp hồn trước hết là ánh mắt, ánh mắt phụ nữ đôi khi có thể làm cả thế giới sụp đổ. Nếu đàn ông mà không khịu chân, run tay, thẫn thờ, phờ phạc trước ánh mắt biểu cảm quyền lực tối cao của người phụ nữ thì anh ta cũng chả nên làm đàn ông…
Tôi bị níu ánh nhìn bởi đôi chân trần của người phụ nữ khi họ mang váy và đi trên một đôi giày cao gót. Khi đó, người phụ nữ bỗng mong manh lạ lùng, ấn tượng lạ lùng, họ biến thành cánh hoa rất mỏng và gửi một thông điệp đến thế giới đàn ông rằng, họ cần được nâng niu và bảo vệ.
Tôi thường bối rối và ngơ ngác bởi mái tóc của các cô gái, hình như người ta tạo ra đủ mọi kiểu tóc cốt là để dẫn dụ đàn ông bị cuốn vào sự mê muội của cái đẹp, bị trói, bị buộc, bị dắt, bị nắm bởi những mái tóc ấy, bởi từng sợi tóc ấy, bởi cả màu tóc ấy.
Tôi luôn bị dại khờ trước giọng nói của phụ nữ, đó hình như không phải là giọng nói mà hình như tạo hoá ban cho phụ nữ thứ âm thanh mềm mại và sức nặng, nó có thể làm nguội đi cả một ngọn núi lửa.
Phụ nữ Á Đông thiên về đằm thắm, dịu dàng, thiên về sự cám dỗ ngầm, nó sâu lắng, nó lay động, nó xao xuyến ghê gớm.
Đối với ông, yếu tố nào quan trọng nhất trong thang bậc đánh giá vẻ đẹp người phụ nữ?
- Và cuối cùng thì chả có bậc thang nào để đánh giá vẻ đẹp của phụ nữ cả. Theo cái cách mà người đàn ông tiếp cận, mỗi ánh mắt, mỗi cảm xúc là một bậc thang, tuỳ họ, không có mẫu chung cho ai hết. Một cô gái béo, thấp, chân tay có thể rất ngắn, đôi khi hút hồn người đàn ông của họ. Phụ nữ biết cách để họ trở nên hấp dẫn, tự họ biết, chả dạy được.
Nhưng thế giới đàn ông chúng tôi luôn mong mỏi mẫu phụ nữ cho mình thế này: Dịu dàng, nhân hậu, ít nói và mặn mà. Xấu, đẹp là chuyện khác, theo cách mà từng người đàn ông cảm nhận, nhưng đã là phụ nữ thì phải duyên, phải mềm mại, phải ân tình, phải dịu, phải nhẹ, phải nuột nà, phải kiệm lời và phải bao dung.
Xin cám ơn ông bởi những lời chia sẻ thẳng thắn và chân tình!