Dân Việt

BRT – món mới của "đại tiệc" BĐS

Thái Bình 08/03/2017 18:24 GMT+7
Đến nay, tuyến buýt nhanh BRT phần nào "chia lửa" với sức ép giao thông đô thị Hà thành. BRT cũng trực tiếp mang lại lợi ích cho các dự án BĐS ven 2 tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu. Tuy nhiên, thực tế tác dụng của "phép màu" BRT với những khách hàng tìm về tại đoạn đường 3,7 km gánh 40 dự án cao tầng thì chưa ai dám chắc.

img

Nhờ BRT, "những nơi trước đây chúng ta nghĩ là xa thì lại trở nên gần..."

"Cửa sáng" cho dự án bán hàng

Trong con mắt thị trường BĐS, tuyến buýt Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa thực sự tác động mạnh tới nhiều dự án chung cư, KĐT. Theo cách nói của giới bán hàng địa ốc, thì đây là một tiện ích "không thể tốt hơn" cho người mua nhà tại các dự án dọc trục Lê văn Lương – Tố Hữu.

Khoanh riêng đoạn đường Tố Hữu dài chừng 3km, lượng dự án (hoặc chỉ là khu đất dự án nằm đắp chiếu 4-5 năm qua) được đẩy mạnh makerting bán hàng theo hướng "ăn theo" BRT thực sự đáng chú ý.

Đây phần lớn là những thửa đất quy mô hàng chục ha được giao cho các chủ đầu tư giai đoạn 2010 nhằm triển khai các dự án "hoành tráng". Hiện tuyến Tố Hữu có tới 40 cao ốc từ 25-35 tầng và nhiều KĐT như: Văn Khê, Dương Nội. BRT đi vào hoạt động từ tháng 1, trùng khớp thời gian này, chợ BĐS trực tuyến lẫn nhiều sale bán hàng đều náo nhiệt mặt hàng của các chủ đầu tư Nam Cường, Hải Phát hay FLC.

Điển hình, AnLand Complex (nằm trong tổng khu dự án gần 200ha của tập đoàn Nam Cường) "bỗng" trở nên đáng giá nhờ vị trí nằm ở đầu KĐT Dương Nội và "hưởng" tiện ích giao thông từ BRT.

Hay như sản phẩm shophouse của Hải Phát cũng được cộng vài giá (so với thời điểm trong năm 2016) mỗi khi khách giao dịch thứ cấp đặt vấn đề với nhân viên môi giới. Thậm chí, 1 hạ phần của Usilk City (được sang nhượng cho Hải Phát) và đại dự án "nghìn tỷ" Roman Plaza của ông chủ Đỗ Quý Hải cũng nhờ BRT mà thêm phần giá trị dù mới chỉ khởi động công trường.

Niềm vui của giới chủ đầu tư lẫn đơn vị bán hàng liên quan đã được cụ thể hóa bằng những phát ngôn "có cánh" gần đây. Nói như một lãnh đạo sàn môi giới khét tiếng (nằm ở Trung Hòa, quận Cầu Giấy) thì, chuyến xe buýt nhanh BRT đang là một điểm cộng tuyệt vời để thuyết phục giới đầu tư cũng như khách mua nhà. Lượng giao dịch của sàn chúng tôi tăng mạnh kể từ đầu năm 2017, khi mà mọi người có những trải nghiệm thực tế trên chuyến xe buýt nhanh BRT.

Hay như mới đây, Phó TGĐ Tập đoàn Nam Cường - ông Trần Như Trung gửi thông điệp khá ẩn ý: Khi thành phố đầu tư những phương tiện giao thông công cộng mới như tuyến xe buýt nhanh BRT hay tuyến đường sắt trên cao thì những nơi trước đây chúng ta nghĩ là xa thì lại trở nên gần, những nơi tiện ích chúng ta nghĩ khó sử dụng thì lại trở nên thuận tiện... Có thể đoán ra, "những nơi trước đây nghĩ là xa" mà vị này nhắc tới, chính là Dương Nội – nơi dự án KĐT 200ha mà Nam Cường vẫn trĩu nặng trách nhiệm nhiều năm qua với cơ quan chức năng lẫn người mua nhà.

Cần những cái giật mình

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Tùng – chuyên gia BĐS kiêm GĐ Công ty TNHH BĐS & Dịch vụ địa chính Hà Nội - Hanoi Land) chia sẻ góc nhìn  về tác động của BRT với tâm lý lựa chọn của những khách hàng có nhu cầu ở thực tại các dự án "bám" dọc tuyến buýt nhanh.

Trong bài toán bán hàng, các dự án trục này sẽ có thêm BRT như một yếu tố tiện ích hạ tầng nhằm đánh bóng. Điều này thoạt nghe rất hấp dẫn. Nhưng thực tế, với những người hiểu biết thì khó lòng thuyết phục số đông. Thậm chí, điều đó còn phản tác dụng và khiến người mua ngần ngại. "Lẽ ra họ mua ở đó, nhưng với thực trạng tắc nghẽn vào các khung giờ cao điểm thì họ sẽ suy nghĩ lại. Bởi, ngoài giờ cao điểm di chuyển ngoài đường, thời gian còn lại người dân đều ở nơi làm việc hoặc trong nhà mình" – ông Tùng nhấn mạnh.

img

Chỉ người đã nghỉ hưu, người hay di chuyển vào khung giờ không phải cao điểm mới lựa chọn các dự án bám dọc trục BRT?

Tiếp tục quan điểm của vị lãnh đạo giàu kinh nghiệm về BĐS lẫn quy hoạch hạ tầng, thay vì lựa chọn giao dịch dự án đã ngắm từ trước, khách hàng sẽ "quay 180 độ" mà tìm tới dự án tương tự – địa bàn không nằm tiệm cận tuyến buýt nhanh. Tâm lý hành vi khách hàng dạng này sẽ là: Tôi lựa chọn dự án không có BRT đi qua. Vì, không có tuyến buýt nhanh đi qua thì đường sẽ...rộng hơn, ít tắc hơn. Hay chí ít, di chuyển trong giờ cao điểm vẫn nhanh hơn so với cảnh phải "chia sẻ" 1/3 mặt đường với BRT.

Vậy, nhóm khách hàng nào sẽ ưa chuộng lựa chọn sinh sống ở các dự án bám dọc trục BRT? Chắc chắn sẽ bao gồm những người đã nghỉ hưu, người hay di chuyển vào khung giờ không phải cao điểm - BRT được coi là một điểm cộng về phương tiện di chuyển giá rẻ, an toàn. Nhưng, với phần còn lại, thì đó là điểm trừ!