Thành phố Đà Nẵng dù chỉ với 1 triệu dân nhưng cách đây 2 năm chính quyền thành phố này đã yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, đậu đỗ phương tiện trái phép.
Vỉa hè đường Nguyễn Tri Phương có biển cấm rất thông thoáng (ảnh Đình Thiên)
Mới đây sau khi có chỉ thị của Trung ương, chính quyền Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh, sắp xếp lại trật tự quản lý đô thị, vỉa hè, lòng đường.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng yêu cầu: “Trước thời gian ra quân thực hiện 4 tháng, các sở ngành, địa phương liên quan phải tổ chức tuyên truyền vận động, phổ biến cho người dân được biết. Bên cạnh đó phải có phương án giải quyết công ăn việc làm, khó khăn cho các hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng của chủ trương này”.
Đà Nẵng đã quyết định 17 tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè để cá nhân hoạt động thương mại và 15 tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè kinh doanh buôn bán. Trong đó có các tuyến đường lớn như Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú, Hùng Vương...
Chỉ mỗi vạch sơn, mọi thứ ở vỉa hè Nguyễn Văn Linh đều ngăn nắp (ảnh Đình Thiên)
Tại địa bàn quận Hải Châu, địa bàn trung tâm và đông dân cư nhất TP.Đà Nẵng, ông Lê Anh-Chủ tịch UBND quận cho biết, lực lượng chức năng không "đối đầu" với người dân để giành lại vỉa hè.
“Chúng tôi trước khi mở đợt cao điểm xử lý sẽ cho khảo sát từng mét vuông các tuyến đường để nắm rõ có bao nhiêu hộ lấn chiếm vỉa hè. Tiếp đến sẽ yêu cầu cấp phường mời các hộ đó tới thông báo, nhắc nhở trước khi có các biện pháp khác”, ông Anh cho biết.
Một tuyến phố chuyên doanh ngăn nắp ở quận Hải Châu (ảnh Đình Thiên)
Bên cạnh việc tuyên tuyền, cơ quan chức năng sẽ cắt cử nhân viên QLĐT kiểm tra 24/24 giờ tại các tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè, lòng đường.
“Tuyên truyền rồi nhưng chúng tôi vẫn có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu. Ví dụ như người dân thường dậy dọn hàng lúc 5h sáng thì nhân viên phải có mặt từ 4h. Ở các tuyến đường cấm lúc nào cũng có nhân viên quy tắc có mặt để quản lý, kiểm tra và xử lý. Chúng tôi sẽ làm riết như vậy cho đến khi người dân hiểu mới thôi”, ông Huỳnh Văn Rân-Đội trưởng Đội quy tắc đô thị quận Hải Châu cho biết.
Để không làm ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người dân sống nhờ vào vỉa hè, lòng đường, UBND quận Hải Châu đã tổ chức thí điểm các tuyến phố chuyên doanh như phố ăn đêm, phố ẩm thực, phố điểm tâm…
Một số tuyến đường chính quyền và cả hộ dân treo bảng cấm đậu nhưng vẫn có nhiều chủ xe vi phạm (ảnh Đình Thiên)
“Có nhiều trường hợp khó khăn nên mới cố tình lấn chiếm để kiếm sống, chúng tôi sẽ lập danh sách báo cáo cấp trên để có hướng hỗ trợ. Bên cạnh đó quận sẽ từng bước mở các phố chuyên doanh để giải quyết việc làm, tạo kế sinh nhai cho người dân”, ông Lê Anh nói.
Bênh cạnh các biện pháp lâu dài, tại các tuyến đường trung tâm TP.Đà Nẵng các địa phương đã có các biện pháp cụ thể khác như kẻ vạch sơn trắng, đỏ để cho các hộ dân và cửa hàng tự sắp xếp chỗ đậu xe…
“Với vỉa hè rộng 3m, một vạch sơn đỏ kẻ dọc sẻ chia vỉa hè ra hai phần bằng nhau. Xe máy của khách được xếp phía ngoài vạch sơn. Với những vỉa hè rộng 6m, vạch sơn đỏ chia đều thành ba phần bằng nhau. Khi đó, xe máy xếp phía ngoài cùng và trong cùng, lối bộ hành ở chính giữa. Chúng tôi sẽ đi nhắc từng hộ cộng với ý thức người dân, lòng đường, vỉa hè sẽ thông thoáng, trật tự”, ông Đặng Văn Sỹ-Trưởng phòng QLĐT quận Hải Châu chia sẻ.