Dân Việt

NATO kéo quân rầm rập đến sát sườn Nga

Thanh Minh (Tổng hợp) 09/03/2017 12:40 GMT+7
Khoảng 8.000 quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được điều đến gần biên giới Nga, báo Anh DailyStar cho biết.

img

Theo báo này, trong số hơn 8.000 quân NATO được điều động lần này có khoảng 700 thành viên của Thuỷ quân Lục chiến Anh và hàng ngàn lính Mỹ đang có mặt ở phía đông bắc Na Uy, cách biên giới Nga 160-300 km. Các tiểu đoàn này đang tập luyện cho cuộc chiến tranh Bắc Cực ở nhiệt độ thấp như -10C. Tuy nhiên, ở khu vực gần đó, phía bên kia biên giới nước Nga, khoảng 300.000 binh lính Nga cũng đang có mặt, dấy lên lo ngại sẽ có những căng thẳng có thể xảy ra.

Cuộc tập trận của NATO có tên gọi Joint Viking 2017 với sự tham gia của quân đội Anh, Mỹ và Na Uy đã chính thức khởi động hôm 6.3 và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 15.3 tới. Theo thông tin trên website của Lực lượng Vũ trang Na Uy, mục tiêu của cuộc tập trận làm nhằm tăng cường khả năng xử lý khủng hoảng cũng như năng lực quốc phòng của Na Uy.

Các đơn vị quân đội tinh nhuệ sẽ mô phỏng chiến tranh trong điều kiện khắc nghiệt nhất ở Finnmark - một khu vực ở phía bắc đông lạnh của Na Uy. Trận chiến giả định được diễn ra trên 80 dặm vuông của núi rừng. Mục đích của NATO là luyện tập để bảo vệ đồng minh Na Uy, trước những thách thức sức mạnh quân sự của Nga.

Hồi cuối tháng 9.2016,  Nga tổ chức một cuộc tập trận tương tự gần biên giới Na Uy.

img

Tờ báo khác của Anh là Daily Mail cũng cho rằng, Moscow  đang tích cực hiện đại hóa hải quân của mình và điều đó "đe dọa đến phương Tây”. Theo Daily Mail, Điện Kremlin đang gia tăng kho vũ khí hải quân, sẽ cho phép Nga ngăn chặn sự di chuyển tự do của các tàu NATO và "đe dọa sự tồn tại" của phương Tây. Daily Mail cũng cho biết, báo cáo của Học viện nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh. Tham gia viết có các cựu chỉ huy quân sự của Liên minh Bắc Đại Tây Dương: Đô đốc James Stavridis và tướng Philip Breedlove, báo Daily Mail cho biết.

Các tác giả báo cáo theo yêu cầu tài liệu của chính phủ Anh khẳng định rằng hải quân Nga "đã có sự thay đổi về chất lượng", có khả năng "làm tê liệt" châu Âu. Đặc biệt, các tàu ngầm mới của Nga có thể cắt cáp ngầm dưới biển để phá trao đổi thông tin thương mại và quân sự giữa Mỹ và các nước châu Âu, hoặc tấn công các giàn khoan dầu ở Biển Bắc.

Theo giới phân tích này, NATO nên sẵn sàng để đối phó với mọi sức mạnh của Nga.