Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ảnh. National Interest
Ngay sau khi Triều Tiên phóng 4 tên lửa ngày 6.3, Mỹ lập tức triển khai 2 bệ phóng của hệ thống THAAD đến căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt phản đối việc triển khai THAAD đến Hàn Quốc và cảnh báo hai nước Mỹ - Hàn sẽ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hậu quả tiếp theo nào xảy ra liên quan đến động thái này này. Đây là 2 lý do quan trọng khiến Trung Quốc kịch liệt phản đối việc triển khai THAAD.
Khả năng trinh sát vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc
Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã tập trung đầu tư một kho vũ khí khổng lồ các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Đây được xem là một phần quan trọng trong “chiến lược chống tiếp cận” mà Trung Quốc xây dựng để đề phòng các mối đe dọa an ninh có thể xảy ra, trong đó Nhật Bản và Mỹ được xem là 2 nguy cơ chính.
THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối của chuyến bay. Hệ thống radar mà THAAD sử dụng là AN/TPY-, thuộc loại radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) có khả năng nhận dạng mục tiêu rất cao. Radar có tầm trinh sát khoảng 1.000 km, có thể mở rộng lên đến 4.000 km.
Vì vậy, với việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc, hoạt động của một loạt các căn cứ quân sự ở dọc phía Đông của Trung Quốc đều nằm trong “tầm ngắm” của radar hệ thống THAAD, nhất là lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc mà từ trước tới nay Mỹ có rất ít thông tin.
Thêm vào đó, các nhà hoạch định chiến lược quân sự Trung Quốc tin rằng, khả năng tấn công tên lửa và răn đe hạt nhân của nước này sẽ giảm đáng kể bởi radar của THAAD sẽ giúp Mỹ phát hiện ra mục tiêu tốt hơn và đưa ra thời gian cảnh báo \sớm hơn. Vì thế, Trung Quốc có thể sẽ yếu thế về mặt chiến lược trong một cuộc chiến với Mỹ nếu xảy ra chiến tranh.
Nguy cơ hình thành liên minh phòng thủ tên lửa khu vực
Theo tờ National Interest, Trung Quốc cho rằng khi Mỹ triển khai xong THAAD ở Hàn Quốc thì sẽ dẫn tới việc hình thành một liên minh phòng thủ tên lửa Mỹ - Nhật - Hàn ở khu vực Đông Bắc Á.
Hiện nay, Mỹ và Nhật đang hợp tác triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD trên một số chiến hạm của 2 nước.
Hệ thống Aegis BMD sử dụng tên lửa siêu hạng SM-3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa từ bên ngoài bầu khí quyển. Nếu hệ thống THAAD ở Hàn Quốc kết nối với Aegis BMD sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc.
Bắc Kinh lo sợ rằng, THAAD là một bước trong kế hoạch mà Mỹ thực hiện để bao vây Trung Quốc với một hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nhật Bản đến Đài Loan và thậm chí là Ấn Độ.
Một cựu tướng Hải quân Trung Quốc cáo buộc, việc hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân của Mỹ ở gần Trung Quốc cũng giống như là "một kẻ có tiền án, tiền sự lang thang ngay ngoài cửa của một gia đình”.
Trước đó, năm 2013, trước mối đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên, Mỹ cũng đã triển khai THAAD ở đảo Guam nhằm ngăn ngừa một cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ phía Bình Nhưỡng.
Bắc Kinh lúc đó cũng đã phải đối rất quyết liệt hành động của Mỹ.
Hiện, để phản đối việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc, Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt siêu thị Lotte và đình chỉ các tour du lịch đến Hàn Quốc. Quan hệ ngoại giao Trung-Hàn rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong những thập niên gần đây. Tình hình an ninh ở khu vực Đông Bắc Á cũng trở năng căng thẳng hơn.