Thưa ông, nhiều thông tin gần đây cho biết giá đùi gà Mỹ nhập vào Việt Nam có giá siêu rẻ. Cục Chăn nuôi có nắm bắt vấn đề này?
- Chúng tôi đã thu thập số liệu từ hải quan, theo số liệu tổng kết từ đơn vị này cho thấy hiện có 15 nước xuất khẩu thịt đùi gà vào Việt Nam. Riêng trong tháng 1.2017, chúng ta nhập 7.000kg đùi gà, trong đó lượng đùi gà xuất xứ từ Mỹ nhiều nhất, chiếm 65%.
Cũng theo ghi nhận từ phía hải quan, đơn giá đùi gà Mỹ là 0,87 USD/kg. Một số thông tin cho rằng đùi gà Mỹ được bán với giá dưới 10.000 đồng/kg, nhưng không thông tin rõ đó là gà gì. Tôi phải nói thêm rằng, các nước xuất khẩu gà vào Việt Nam thông qua đường chính ngạch chứ không phải tiểu ngạch. Với giá như phía hải quan cung cấp là điều bình thường, nhưng nếu giá đùi gà thấp như dư luận đề cập trong nhiều ngày qua các bộ, ngành chức năng phải vào cuộc điều tra làm rõ xem thực tế chất lượng thịt gà đó ra sao, hạn sử dụng thế nào.
Cũng không loại trừ khả năng trong nhập khẩu có gian lận thương mại, hoặc khả năng mặt hàng này nhập về đã gần hết hạn sử dụng, thậm chí hết hạn sử dụng. Ví dụ, khi hàng sắp hết hạn, nhà nhập khẩu mua với giá rẻ như cho rồi thay đổi nhãn mác, bán cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, các cơ quan liên quan cần vào cuộc để tìm hiểu rõ vấn đề này.
Dây chuyền giết mổ gà tại huyện Trảng Bom của Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.HCM). ảnh: T.L
Nhiều người lo ngại việc đùi gà nhập vào Việt Nam ồ ạt với giá rẻ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chăn nuôi gà trong nước, nguy cơ mất thị trường, khiến nông dân chăn nuôi thua lỗ?
- Nếu nói nhập khẩu ồ ạt là hoàn toàn không đúng. Trong tháng 1.2017, chúng ta nhập 7.000kg đùi gà, giảm 30% so với tháng 12.2016, còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì giảm đến 44%.
Khi tạo được chuỗi liên kết sản xuất bền vững, dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt, chất lượng sản phẩm tăng lên, chi phí giảm, giá thành cũng sẽ giảm. Cung cầu trong nước ổn định thì gà ngoại sẽ rất khó chen chân vào thị trường nội địa. Hiện nay chúng ta đang triển khai xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, đây là hướng đi đúng của ngành chăn nuôi”. |
Trong bối cảnh chúng ta đang bị dịch cúm gia cầm đe dọa, trường hợp người tiêu dùng quay lưng với gà nội để ăn gà ngoại cũng có thể xảy ra, lúc đó thịt đùi gà nhập khẩu nói chung và đùi gà Mỹ giá rẻ nói riêng sẽ tràn vào trong nước. Ông nhận định vấn đề này thế nào?
- Tôi thừa nhận trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta xử lý không tốt dịch bệnh, đồng thời truyền thông không tuyên truyền hết vấn đề, không đúng bản chất sự việc. Đến lúc đó gà ngoại sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường trong nước, người tiêu dùng có thể sẽ sử dụng sản phẩm khác thay thế thịt gà. Thực tế là gà nuôi ở nước ta đang mất cân đối cung cầu, giá đang rẻ. Ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, giá gà lông màu giảm mạnh hơn cả gà trắng công nghiệp. Đó là điều rất ngược so với bình thường. Chúng tôi đã tìm hiểu nguyên nhân vì sao lại có hiện tượng đó và nhận thấy, từ năm 2014 – 2015, giá gà lông trắng giảm sâu trong thời gian dài, do đó các nhà máy, cơ sở chăn nuôi gà trắng đã chuyển sang nuôi gà màu. Đến thời điểm này, đàn gà lông màu tăng cao, cung vượt cầu nên giá giảm sâu.
Một phần nữa khiến giá gà trong nước giảm xuống cũng bởi thông tin nước ta còn dịch cúm gia cầm. Việc truyền thông trên báo chí đã phần nào đó ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Ngay cả các phương tiện truyền thông cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng sản phẩm gia cầm tươi sống, khiến người tiêu dùng hiểu chưa rõ mức độ của dịch. Tôi cho rằng, tuyên truyền như thế là không đúng bản chất sự việc.
Vậy người dân nên hiểu về tình hình dịch cúm gia cầm như thế nào, thưa ông?
- Đối với cúm A/H5N1 và A/H5N6 trên đàn gia cầm, đến thời điểm này, chỉ có trên 10 hộ chăn nuôi của 10 xã có dịch và những ổ dịch này đều đã được khoanh vùng, tiêu hủy, khử trùng tiêu độc đúng quy định nên không lây lan. Có địa phương đã hết dịch, như vậy dịch cúm gia cầm hoàn toàn không bùng phát như truyền thông đưa tin. Cúm gia cầm chỉ đang ở mức độ nhỏ lẻ, đã được khống chế và trở thành dịch bệnh địa phương.
Hiện nay việc tiêu thụ gia cầm vẫn rất an toàn, người tiêu dùng cần mua sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đừng ham rẻ mà mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Nên mua các sản phẩm ở những nơi có sự kiểm soát của thú y, được kiểm soát giết mổ, được đóng dấu kiểm tra trên từng con gia cầm.
Bộ NNPTNT có quyết sách gì để tránh tình trạng gà Việt có nguy cơ mất thị trường, cũng như có giải pháp gì hỗ trợ nông dân nuôi gà phát triển bền vững?
- Mới đây Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị với 25 tỉnh để bàn biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học... Bộ đang tiếp tục xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, triển khai Đề án 440 về “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh”.
Để chủ động sản xuất, tránh tình trạng cung cầu lệch pha, Bộ NNPTNT khuyến khích bà con đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, chú trọng chăn nuôi hữu cơ. Việc mở rộng quy mô phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, khuyến khích bà con thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro. Đặc biệt, Bộ khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức hội với nông hộ.
Xin cảm ơn ông!