Nhiều ý kiến của các chuyên gia đã được nêu ra tại Hội thảo các vấn đề phát triển TP.HCM cơ chế, chính sách đột phá được tổ chức ngày 9.3.
Các chuyên gia trao đổi với ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
TS Trần Du Lịch nhận xét, TP.HCM từng có ý tưởng, đề án để phát triển nhưng làm chưa làm được.
“Năm 2002 TP.HCM đặt vấn đề không cạnh tranh với các địa phương khác trong cả nước nữa mà phấn đấu ngang hoặc bằng với các thành phố phát triển trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)... Đến sau Đại hội Đảng lần thứ 10 năm 2007, TP.HCM xây dựng đề án chính quyền đô thị nhưng đến nay chưa làm được”, ông Lịch nói.
Vị tiến sĩ đề nghị TP.HCM thực hiện lại đề án chính quyền đô thị vì đó là đột phá của đột phá, và quan trọng nhất trong đó là cơ chế phân quyền phân cấp giữa Trung ương và địa phương.
“Thời điểm TP.HCM xây dựng đề án chính quyền đô thị thì Hiến pháp chưa quy định chính quyền địa phương. Tuy nhiên Hiến pháp năm 2013 đã quy định, ở nước ta có chính quyền địa phương và luật chính quyền địa phương cho phép xây dựng thành phố trong thành phố”, ông Lịch nói và cho rằng về mặt luật pháp hiện nay đã mở.
TS Trần Du Lịch đề nghị TP.HCM khởi động lại đề án chính quyền đô thị.
TS Trần Du Lịch nêu quan điểm nếu không xây dựng chính quyền đô thị thì TP.HCM khó phát triển vì chính quyền hiện nay quản lý chồng chéo nhau, một việc nhiều cơ quan làm nên rất khó quy trách nhiệm.
Trước đó PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết TP.HCM là siêu đô thị, đầu tàu cả nước dẫn dắt cả nền kinh tế cả nước phát triển. Tuy nhiên TP.HCM phát triển, tăng trưởng vẫn còn chậm so với tiềm năng đang có, nhiều vướng mắc, khó khăn cản trở.
PGS TS Võ Trí Hảo nêu lên một thực tế, phường Bến Nghé, quận 1 thu ngân sách bằng 1 tỉnh, 1 phường của quận Tân Phú dân số 110.000 người, bằng 3 huyện khác của 1 tỉnh cộng lại nhưng bộ máy quản lý chỉ là cấp phường. Theo PGS TS Hảo thì đây là một trong những điều bất hợp lý vì bộ máy hành chính công không theo kịp sự phát triển của thực tế.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhận xét, những đánh giá, tầm nhìn của các chuyên gia toàn diện, sát thực với thực tế của TP. Ông Thăng mong muốn các chuyên gia đóng góp dưới góc độ xây dựng cơ chế đột phá để phát triển TP.HCM thành nơi đóng góp cho Trung ương nhiều hơn về chính sách và ngân sách.
“Trong Nghị Quyết 16 của Bộ Chính Trị khẳng định, TP.HCM là của cả nước, cùng cả nước và vì cả nước nên xây dựng cơ chế đột phá cho TP.HCM cũng là xây dựng cơ chế đột phá cho cả nước”, ông Thăng nói và mong muốn các đề xuất đưa ra phải có căn cứ vững chắc, đủ cơ sở khoa học, thực tiễn.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng, TP cần một cơ chế cho phù hợp với quy mô và tốc độ phát triển nên những giải pháp đề xuất phải tạo sức đột phá thực sự.