Festival quốc tế nông nghiệp vùng ĐBSCL do Bộ KHCN phối hợp Bộ NNPTNT và 13 tỉnh, thành trong khu vực tổ chức. Sự kiện này còn có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, trong đó có Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc...
Người dân tham quan khu triển lãm các gian hàng của doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp.
Trong 5 ngày diễn ra (từ 9-13.3), hoạt động này sẽ có nội dung quan trọng là triển lãm những công nghệ, những sản phẩm (quy mô khoảng 500 gian hàng) của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và liên quan nông nghiệp.
Ngoài ra, còn có các chương trình “kết nối cung cầu”, trao huy chương vàng “khoa học nông nghiệp sáng tạo” cho các viện, trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong sản xuất và phục vụ nông nghiệp.
Theo ban tổ chức, Festival quốc tế nông nghiệp vùng ĐBSCL nhằm tăng cường liên kết hợp tác và đặt hàng các công nghệ, sản phẩm, giải quyết những vấn đề quan trọng trong đầu tư phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh…
“Thời gian qua, KHCN đã được ứng dụng rất nhiều vào nông nghiệp, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD bao gồm gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản” – Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng thông tin tại buổi lễ khai mạc.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phân tích, thời gian qua, nhiều tiến bộ KHCN đã được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất rau màu, hoa như nhân giống bằng việc nuôi cấy mô, trồng trong nhà lưới, nhà kính, sản xuất theo quy trình Gap, VietGap. Nhiều loại trái cây đặc sản đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý và xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu...
Thông qua sự kiện ngày, Thứ trưởng Trần Văn Tùng mong muốn kêu gọi các nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước hợp tác phát triển, ứng dụng KHCN hiện đại có hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp bà con có hướng đi đúng, từ đó, phần nào giúp người dân tránh rủi ro đầu tư cao, tạo ra sản lượng lớn nhưng sản phẩm làm ra không bán được, dẫn đến cung vượt cầu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của đất nước.
ĐBSCL là vựa lúa, nơi nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái chính của cả nước. Đây cũng là nơi triển khai nhiều kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất và chế biến. Hiện vùng đóng góp hơn 40% tổng giá trị về sản xuất nông nghiệp của cả nước. ĐBSCL là nơi khởi xướng nhiều mô hình sản xuất mới, có hiệu quả và được nhân rộng ra cả nước. |