Khi còn làm nghề, ông Dương Văn Hiền là trọng tài có năng lực, từng 3 lần giành danh hiệu “còi vàng” Việt Nam. Dù vậy, đấy là năng lực về chuyên môn, về nghề thổi còi trên sân cỏ, riêng năng lực về quản lý của ông Hiền vẫn hiện là dấu hỏi?
Trong khi đó, điều mà người ta cần nhất bây giờ nơi giới trọng tài, theo ý kiến của các chuyên gia trong thời gian gần đây, đó là cần người quản lý giỏi cho ban này, thậm chí người đấy không nhất thiết phải xuất thân từ giới trọng tài.
Về mặt năng lực quản lý thì có ít nhất 2 lần ông Dương Văn Hiền không nhận được sự tín nhiệm của những người hoạt động trong cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam. Lần đầu là khi cựu trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm rời vị trí năm 2013. Ngay sau đó là nhiệm kỳ 7 của VFF, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng có ý cất nhắc ông Dương Văn Hiền lên ghế trưởng Ban trọng tài, nhưng giờ chót có người khuyên ông Dũng là không nên.
Ban trọng tài cần thay đổi phương pháp làm việc, chứ không đơn thuần chỉ thay đổi người nắm quyền phân công (ảnh: Trọng Vũ).
Lần thứ thứ nhì là vào năm ngoái, ở Hội nghị BCH VFF tại TPHCM vào tháng 8. Khi đó, thật ra thì VFF đã có chủ trương cho trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi nghỉ, sau hàng loạt yếu kém của giới trọng tài trong nước.
Nhưng giờ chót BCH VFF không chọn được ứng cử viên thay thế khác, càng không muốn thay cựu trọng tài Nguyễn Văn Mùi bằng cựu trọng tài Dương Văn Hiền, để điều hành giới này, nên ông Mùi mới được giữ lại. Điều đó cũng đồng nghĩa phó ban Dương Văn Hiền không vượt qua đợt kiểm tra sự tín nhiệm từ chính VFF.
Thành ra, khi giới trọng tài đứng trước yêu cầu thay đổi, người ta chờ đợi sự thay đổi về gốc rễ, về phương thức làm việc, về tính công khai, minh bạch trong quản lý đội ngũ, chứ không phải chỉ là chuyện ai thay ai phân công trọng tài ở từng vòng đấu V-League.
Và khâu phân công đấy lộ ra ngay tình trạng rập khuôn, xáo mòn, khi ông trưởng ban Nguyễn Văn Mùi sau lúc bỏ quyền chấp bút danh sách trọng tài, lộ ra tình trạng là đến sau vòng 11 V-League mới phân công lại trọng tài, theo danh sách mới.
Hoá ra Ban trọng tài đã phân sẵn người làm nhiệm vụ đến trước những... 11 vòng, bất chấp chuyển biến trên sân cỏ, những sự cố đã và đang xảy ra với chính giới trọng tài. Và hoá ra, cái quy định và thông lệ quốc tế chỉ cho biết danh tính trọng tài điều khiển các trận đấu, trước giờ bóng lăn không lâu trở thành quy định... thừa.
Bởi, phân công sẵn đến 11 vòng thì kiểu gì các đội bóng và bản thân các trọng tài cũng có cách tìm thông tin ai là người sẽ bắt trận nào, từ đó lại dễ phát sinh các toan tính khác nhau từ các bên có liên quan, mà cả làng cầu vẫn thường lo ngại.
Nếu không sự cố trên sân Thống Nhất tối 19.2, nếu không có sức ép của dư luận buộc Ban trọng tài thay đổi, e rằng nhiều người còn không biết quá nhiều bất cập trong giới trọng tài dạng như thế.
Thành ra, vấn đề không phải là ai thay ai trong khâu chấp bút phân công trọng tài tại V.League, mà là giới trọng tài phải thay đổi như thế nào, theo hướng công khai hơn, minh bạch hơn, để cả làng cầu có thể giám sát đội ngũ này, thay vì để họ tự tung tự tác như vừa qua.
Không thực hiện được những thay đổi từ gốc rễ và phương pháp làm việc, thì chuyện ông Mùi tham gia hay không tham gia khâu phân công trọng tài cũng chẳng có ý nghĩa, thậm chí còn mang tính đối phó với dư luận, chứ không phải thực chất muốn thay đổi.
Chắc cũng chẳng ai quên người mới vừa được đề cử sẽ chấp bút phân công trọng tài là ông Dương Văn Hiền, từng sai sót nặng khi để xảy ra tình trạng thay người sai luật ở giải U21 quốc tế cách nay không lâu. Rồi vừa mới đây là vụ ông Hiền tự “mổ băng” trận đấu do mình giám sát, để nhận định thiếu trung thực về tình huống phạm lỗi của Samson nhằm vào Ngọc Quang (HAGL).
Vụ đấy nếu không bị dư luận phản ứng, giới chuyên môn trong nước lên tiếng, thì sai phạm của ông phó ban trọng tài Dương Văn Hiền đã “chìm xuồng”. Giờ ông Hiền lại ngồi chấp bút thay ông Mùi, khiến nhiều người lại lo khâu trọng tài vẫn quanh quẩn đi vào lối mòn.