Phát hiện bất ngờ
Xưa nay hiếm thấy người nào chăm cây vào ban đêm, nhưng với lão nông Đào Văn Tám (60 tuổi, thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) là bình thường. Hơn 8 năm nay, khi màn đêm xuống là ông Tám bận rộn với vườn xoài của mình.
Ông Đào Văn Tám thường xuyên chăm sóc xoài vào ban đêm. Ảnh: Công Tâm
Những sáng kiến của ông Tám rất thiết thực vào áp dụng có hiệu quả vào sản xuất, vừa tiết kiệm được chi phí, tiết kiệm thời gian và bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Hiện ông Tám đang tích cực hướng dẫn kỹ thuật này cho các hộ nông dân xung quanh”. Ông Lâm Ngọc Xuyên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc |
Ông Tám bộc bạch: “Ngay từ nhỏ tôi đã gắn bó với nghề đi biển. Nghề đánh bắt trên biển có đặc điểm phải thức trắng đêm. Tuy nhiên về sau, khi có tuổi, tôi không đi biển nữa mà chuyển sang lập vườn trồng xoài”.
Năm 2005, ông Tám mua 1ha đất trồng các loại xoài Úc, cát Hòa Lộc, bồ trắng. Tuy nhiên, cứ đến giai đoạn ra hoa, đậu quả thì vườn xoài lại bị các loại côn trùng tấn công phá hoại. Những loại côn trùng này rất tinh vi nên khó phát hiện và tiêu diệt vào ban ngày. Một lần khá tình cờ, ông Tám không ngủ được nên rọi đèn pin ra khu vườn xoài xem thì bất ngờ phát hiện hàng loạt côn trùng cánh cứng bám quanh bông xoài. Ông liền vào nhà lấy thuốc hòa chung với nước phun thử nghiệm trên một cây xoài; phun xong vào thay quần áo, ra vườn quan sát lại thì thấy lớp lớp côn trùng chết rơi xuống đất. Ông mới nghiệm ra rằng, các loại côn trùng này có đặc tính hoạt động về đêm và ban ngày thì ngủ, hay trú ẩn dưới các tán lá. Nắm bắt được đặc tính này, ông quyết định “tuyên chiến” với các côn trùng gây hại mỗi khi chúng xuất hiện về đêm.
Ông chia sẻ, nếu phun thuốc vào ban ngày, côn trùng khó chết hơn, lại tốn nhiều chi phí đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe người phun thuốc. Việc phun thuốc vào ban đêm vừa giúp ông tiết kiệm chi phí, tiết kiệm công phun thuốc, từ đó tăng thêm lợi nhuận.
Theo ông Tám, vào giai đoạn xoài ra hoa, cứ mỗi tuần ông phun thuốc 1 lần, với diện tích 2ha ông phun khoảng 8 phuy thuốc, chi phí 75.000 đồng/phuy (tương đương 200 lít nước). Mỗi vụ ông đầu tư khoảng 30 triệu đồng tiền thuốc, giảm hơn 40% so với trước đây. Thông thường ông phun vào khoảng 19 giờ hoặc 3 - 4 giờ sáng. Phương pháp này không những hiệu quả trong việc tiêu diệt bọ cánh cứng mà còn tiêu diệt được cả sâu, rầy. Nếu phun vào ban ngày thì 2 - 3 ngày nông dân lại phải phun 1 lần nên rất tốn kém.
Giảm chi phí, lãi cao
Ngoài việc phun thuốc trừ sâu bọ vào ban đêm, các công đoạn cắt tỉa cành và bón phân, tưới nước cũng đều được ông Tám thực hiện khi trời tối. Với ông Tám, việc làm vườn vào buổi tối đã trở thành thói quen, chiếc đèn pin cũng trở thành “người bạn” tri kỷ.
Ông Tám vui vẻ cho biết, vườn xoài của gia đình ông tuy tuổi nhỏ nhưng năm nào cũng cho quả rất ngọt. Bình quân mỗi cây cho 6 - 9 tạ quả, trọng lượng từ 0,5 – 1,1kg/quả, khi xuất bán các thương lái đều thích bởi quả đẹp, màu sắc mát mắt. Mỗi năm, ông thu lãi ổn định từ 200 – 300 triệu đồng từ vườn xoài, có những năm gặp giá cao còn lãi trên 500 triệu đồng. Ông cười khoe: “Cuộc chiến về đêm của tôi coi như đã thành công và tôi rất yên tâm với bí quyết độc nhất vô nhị của mình, côn trùng giờ đã giảm đáng kể”.