Mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm phòng
Chỉ hai tháng đầu năm 2017, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận gần 50 bệnh nhân bị ho gà biến chứng nặng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 4 ca đã tử vong. Khác với mọi năm là trẻ mắc ho gà chủ yếu dưới 3 tháng tuổi – chưa đến tuổi được tiêm phòng theo quy định, hoặc mới chỉ tiêm được 1 mũi, chưa đủ miễn dịch.
Bệnh nhi bị ho gà đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Diệu Linh
Dự phòng bệnh ho gà tốt nhất là tiêm chủng. Hiện có 2 loại vaccine phòng ho gà là vaccine DTP phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván hoặc vaccine 5 trong 1 Quinvaxem phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Hib. Lịch tiêm vaccine từ khi trẻ 2 tháng tuổi, các mũi 2, 3 cách sau mũi trước 1 tháng và mũi thứ 4 nhắc lại khi trẻ 18 tháng và mũi 5 lúc 17-18 tuổi”. TS Trần Đắc Phu |
Chị Nguyễn Thị D (Nam Định) có con 2 tháng tuổi cho biết, lúc đầu con chị chỉ họ húng hắng vài tiếng, mẹ cũng chủ quan không để ý. Nhưng sau 1 tuần thì cơn ho của con chị bắt đầu kéo dài, kèm theo tiếng rít khó thở, mặt bé tím tái lại nên chị mới đưa con đi viện.
Chị Lê Thị H (Hà Nội), có con 4 tháng tuổi, cũng chỉ nhận ra con bị bệnh nặng khi con ho tím tái mặt mày. Lúc đầu, chị chỉ tưởng con bị viêm họng nhẹ. Khi vào Bệnh viện Nhi T.Ư thì bác sĩ chẩn đoán con chị đã bị viêm phổi nặng.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, hiện tại viện này có 1 bệnh nhi hơn 1 tháng tuổi bị ho gà biến chứng suy hô hấp rất nặng, dù đã được điều trị hơn 10 ngày. Bệnh nhi đang dùng máy ECMO (trao đổi oxy ngoài cơ thể) đã được 6 ngày, kết hợp với lọc máu nhưng tình trạng sức khoẻ vẫn rất nặng.
Hay như mẹ cháu T.M.D (ở Hải Phòng) cho biết, lúc đầu, khi con bị ho dữ dội, xuất hiện thở rít, tím tái, chị đưa con đi khám ở bệnh viện tư thì được chẩn đoán viêm phế quản phổi. Nhưng khi điều trị hơn 1 tuần không đỡ, gia đình đưa con lên Bệnh viện Nhi T.Ư và được chẩn đoán ho gà, bội nhiễm viêm phế quản.
Theo TS Trần Đắc Phu, hai tháng đầu năm 2017, tại một số tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam… đã ghi nhận gần 60 ca ho gà, trong đó có 5 ca tử vong (2 ca ở Nam Định, 1 ở Hà Nội, 1 ở Cao Bằng, 1 ở Nghệ An).
“Trung bình mỗi năm có trên 100 trường hợp mắc bệnh ho gà. Đặc biệt khi thời tiết mùa xuân, ẩm và ấm thì vi khuẩn gây bệnh ho gà thường phát triển và gây bệnh cho trẻ chưa có miễn dịch. Đó là lý do vì sao các ca bệnh ho gà thường diễn ra ở miền Bắc và vào mùa đông xuân” – TS Phu cho biết.
Ho gà tiến triển nhanh, nguy hiểm
TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, ho ga là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan rất cao. Đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh và càng ít tháng tuổi thì bệnh càng có nguy cơ biến chứng nặng hơn. Riêng ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ tử vong lên đến 90%.
Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh của ho gà khá dài, từ 1-2 tuần. Bệnh cũng chỉ khởi phát bằng vài tiếng ho nên nhiều gia đình chủ quan, dễ nhầm lẫn con bị viêm họng, viêm đường hô hấp. Chỉ khi con bị ho kéo dài hàng tiếng, thở rít, mặt mũi, ngón tay chân tím tái vì thiếu oxy thì mới phát hiện ra. Do phát hiện ho gà muộn nên nguy cơ lây nhiễm sang trẻ khác là rất lớn, đặc biệt là trẻ nhỏ, chưa được tiêm phòng ho gà hoặc mới tiêm ít mũi, chưa đủ miễn dịch với vi khuẩn.
Theo TS Lâm, bệnh ho gà thường có biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm não (tỷ lệ tử vong cao), biến chứng cơ học (lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng). Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Ngoài ra còn biến chứng khác như xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác.
TS Lâm khuyến cáo không nên chủ quan với các biểu hiện ho nhẹ, chảy mũi, ho về đêm của trẻ. Ở giai đoạn đầu, các chứng bệnh ho gà rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm, viêm đường hô hấp. Sau 1-2 tuần bệnh nhi ho nhiều, ho dài từng cơn, kèm theo mặt đỏ gay hoặc tím tái, có tiếng thở rít. Trẻ ho nhiều nên biếng ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng, yếu ớt nên bệnh càng có nguy cơ nặng hơn.
Theo TS Phu, hiện vaccine tiêm dịch vụ cũng đã có vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván dành cho bà mẹ mang thai ở tuần thứ 20. Sau khi thai phụ tiêm thì sẽ có miễn dịch các bệnh nói trên đối với cả mẹ và con. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đang giao cho Cục Quản lý dược, chương trình tiêm chủng mở rộng xem xét để có hướng dẫn cụ thể như trường hợp nào nên tiêm, vùng nào nên tiêm… không nhất thiết thai phụ nào cũng cần phải tiêm.