Những tác hại do lũ gây ra gồm có: Di chuyển và làm lây nhiễm các nguồn bệnh tới những nơi chưa bị nhiễm; đưa các xác chết của súc vật, chất gây ô nhiễm, nước thải từ các nơi ở đầu nguồn xuống các vùng ngập lụt làm ô nhiễm đất sau khi nước rút.
Bừa trục để phá váng sau lũ. |
Ngoài ra, khi các chất lơ lửng và những hạt phù sa bồi lắng sẽ làm cho đất bị đóng váng bề mặt, không còn thoáng khí, bị thiếu oxy, không còn đủ oxy cung cấp cho rễ hô hấp, đất trở nên bão hòa nước và sẽ sinh ra thối rễ. Việc thiếu oxy trong đất còn làm cho các phản ứng khử chiếm ưu thế hơn các phản ứng oxy hóa trong đất.
Quá trình này sẽ sinh nhiều độc tố như đất bị ngộ độc CO2 và ngộ độc hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật có hại phát triển trong đất; xuất hiện nhiều loài nấm bệnh, như nấm Fusarium và Phytophtthora, sẽ gây hại cho bộ rễ cây trồng trong và sau mùa lũ.
Hiện tượng thiếu oxy cũng gây nghẹt rễ làm cho cây bị “stress”, kích thích quá trình tổng hợp chất Ethylene trong cây trồng (chất ức chế sinh trưởng thực vật). Khi nồng độ chất Ethylene tăng cao trong lá sẽ gây ra hiện tượng lá cây bị vàng và rụng. Ngoài những tác hại kể trên thì ngập lũ có nhiều ích lợi. Với đất trồng lúa thì đất có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe và tích lũy thêm dinh dưỡng.
Những chất bồi lắng (chất hữu cơ, hạt phù sa...) sẽ là nguồn dinh dưỡng quý báu làm tăng thêm độ màu mỡ đất (cải thiện các tính chất lý – hóa - sinh của đất). Bên cạnh đó, thời gian ngập lũ kéo dài, mực nước càng cao, độ đục trong nước càng lớn sẽ làm tăng độ màu mỡ của đất như tăng lượng mùn, hàm lượng kali, các khoáng chất vi lượng,...
Đây chính là nguồn dinh dưỡng thiên nhiên có khả năng bù đắp sự mất cân đối dinh dưỡng xảy ra trong đất do nguyên nhân chuyên canh cây trồng và kỹ thuật bón phân chưa hợp lý gây ra.
Để xử lý các tác nhân gây hại, khi nước lũ mới rút vừa cạn cần làm vệ sinh đồng ruộng để tiêu diệt các mầm bệnh có nguy cơ phát triển như một số loại nấm, vi khuẩn gây hại. Có thể sử dụng chế phẩm Physan 20N pha với nồng độ 2 cc/lít nước, xịt đều khắp mặt ruộng và các bờ bụi xung quanh.
Khi nước rút cạn (vẫn còn ẩm chưa thể cày đất được) cần nhanh chóng bừa trục để phá váng và tạo thêm khả năng cung cấp oxy cho đất sớm. Kết hợp bón thêm các chất cải tạo độ độc đất như: Vôi, CaC03, bột Dolomite, Secpentin; phân lân nung chảy, phân Silibore theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất.
(còn tiếp)
TS Nguyễn Đăng Nghĩa