Uống vô tội vạ
Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã công bố mức độ nhiễm methanol ở một số loại rượu, thậm chí được kiểm nghiệm vượt mức cho phép tới 2.000 lần. Tuy nhiên, điều này hầu như không làm cho nhiều người có thói quen sử dụng rượu phải suy nghĩ và biết... sợ.
Anh Trần Đình Chiến (42 tuổi, quê Nam Định, công nhân xây dựng) cho biết: Do đi làm xa nhà, tối đến không có phương tiện giải trí, nên anh thường xuyên uống vài chén rượu lúc ăn để đi ngủ cho dễ với giá khoảng 1.000 đồng/chén. Thỉnh thoảng uống xong bị đau đầu nhưng anh Chiến vẫn cho rằng vì mệt và do thời tiết, chứ không phải do rượu và vì uống ít nên chẳng ảnh hưởng gì.
Anh Nguyễn Văn Công (21 tuổi, sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội) cho biết: Việc sinh viên uống rượu là chuyện bình thường, tiện đâu thì mua đó, từ đại lý bánh kẹo đến quán cơm bình dân, có nhiều tiền thì mua rượu nhà máy đóng chai, ít tiền thì mua rượu 20.000 đồng/lít. Anh Công cũng không quan tâm đến đến methanol là gì, chỉ biết nếu rượu chuẩn uống say ít đau đầu và khát nước, rượu đểu thì uống đau đầu.
Tại quán nhậu số 22 Phạm Hùng (Hà Nội) chuyên bán đồ bình dân cho dân lao động, anh Nguyễn Trọng Phương (21 tuổi, hiện làm nghề tự do) vô tư cạch chén với bạn nhậu của mình, với đĩa mồi chỉ là mấy miếng đậu rán. Anh Phương thật thà kể đã có gần 3 năm thường xuyên uống rượu cuốc lủi vì thu nhập bấp bênh có hạn. Không ít lần anh Phương say bét nhè, phải nằm nghỉ mất cả ngày hôm sau, mỗi lần say sợ rượu mất vài bữa. Có lần anh phải đi nằm viện truyền nước vì say quá, nhưng khi gặp bạn bè vẫn phải cưa hết đôi ba chai rượu để tăng phần thân thiết, cũng là cách kiểm tra sức khỏe của nhau tới khi nào say bét nhè hay phun ra tại bàn nhậu mới thôi(!).
Khi được hỏi về rượu có methanol, anh Phương nói: “Tuy mới đọc trên mạng bằng điện thoại, nhưng không biết chất đó như thế nào? Còn khi uống rượu thấy say, mệt, đau đầu mới biết là rượu đểu thôi. Nhưng vì tuổi trẻ, hay khích tướng nhau nên nhiều khi có quá chén mệt mỏi cũng chấp nhận, còn người ngộ độc vì rượu chắc là đen đủi hay uống rượu trên vùng miền núi mới bị(?!)”.
Anh Phương (bên trái) cùng bạn nhậu đang uống rượu tại quán nhậu trên đường Phạm Hùng (Hà Nội). Ảnh: Gia Tưởng
Giá nào cũng bán
Trong vai một "bợm nhậu" đi tìm rượu, chúng tôi dễ dàng khảo giá rượu ở những quán ăn từ sáng đến khuya quanh Hà Nội và phát hiện ra rằng, 100% các quán lớn - nhỏ đều có bán rượu với nhiều loại giá khác nhau.
Chị Hoàng Thị Bến, một chủ quán chuyên bán đồ ăn sáng, buổi trưa và tối chuyên bán cơm ở ngõ số 2 Khuất Duy Tiến (Hà Nội) cho biết: Quán của chị hầu hết khách hàng là người lao động, công nhân xây dựng những khu chung cư tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và nhiều sinh viên đang theo học các trường đại học quanh khu vực này. Việc khách ăn cơm và uống rượu rất thường xuyên.
Quán của chị có nhiều loại rượu với giá khác nhau, đắt nhất là rượu nếp với giá bán 80.000 đồng/lít. Loại rượu này chị lấy ở Vân Đình (Hà Nội), chủ yếu là bán cho những cô cậu sinh viên tổ chức liên hoan sinh nhật, họ mua về phòng trọ uống chứ cũng ít ngồi ở quán. Loại rượu gạo nấu bán 40.000 đồng/lít được nhập ở Phúc Thọ (Hà Nội).
Còn một loại rượu nữa bán 20.000 đồng/lít, loại rượu này nhập ở đâu chị Bến không rõ, chỉ biết cứ mỗi tuần có người đến giao cho quán 40 lít. Loại rượu này chủ yếu bán cho các công nhân xây dựng, cứ tối đến họ đi làm về ăn cơm, mỗi người uống đôi ba chén rồi đi ngủ. Thỉnh thoảng có người vui uống quá chén, cũng kêu hơi bị đau đầu, nhưng với giá khoảng 1.000 đồng/chén, đa số người lao động vẫn dùng loại rượu rẻ nhất của quán này.
Chị Bến chia sẻ thêm: “Tôi bán rượu, người ta đổ loại nào tôi bán loại đó. Thực tình cũng tin vào lời người đưa rượu chứ cũng không biết người ta chế rượu kiểu gì, giá rẻ hay đắt? Khách ăn cơm có người uống 3 chén rượu cộng suất cơm chỉ phải trả 25.000 đồng, mình chỉ biết phục vụ thôi”.
Trong thời gian đi khảo sát giá rượu, chúng tôi còn đến quán lòng heo lớn nhất tại phố Lê Duẩn (Hà Nội). Để chiều lòng khách hàng ăn nhậu, ở đây có đủ các loại từ rượu của nhà máy rượu Hà Nội đến Vodka Cá sấu của Nga. Khi gọi rượu quê nút lá chuối, chủ quán cũng sẵn lòng phục vụ với giá 50.000 đồng/chai. Được hỏi về nguồn gốc loại rượu này, chủ quán cũng chỉ biết đây là loại rượu quê, đảm bảo uống được, chứ uống xong hậu quả như thế nào, đau đầu, ngộ độc thì chủ quán không chịu trách nhiệm, vì loại rượu này được chủ cửa hàng lấy bán cả chục năm nay rồi. Người ta đưa cho can rượu nào là bán hết can đó, chất lượng rượu thế nào khách hàng tự cảm nhận, chủ quán chỉ biết khẳng định chất lượng bằng niềm tin chứ không dựa trên cơ sở khoa học nào...