Nghề nuôi cá lồng bè của ngư dân xã đảo Hòn Nghệ.
Hòn Nghệ - xã đảo giàu tiềm năng là một đảo nhỏ thuộc huyện Kiên Lương, nằm cách đất liền khoảng 20 km. Để đến đây, từ Ba Hòn (trung tâm huyện Kiên Lương), du khách mất nửa giờ đi tàu. Hiện, toàn xã đảo Hòn Nghệ có trên 500 hộ dân sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Trí, ở ấp Bãi Chướng (xã Hòn Nghệ) - một vị cao niên ở Hòn Nghệ cho biết, khoảng nửa thế kỷ trước, tất cả ngôi nhà trên đảo được làm bằng cây rừng, lợp lá, lưng tựa núi cửa hướng ra biển. Phương tiện di chuyển của người dân ở đây chủ yếu là ghe buồm, người dân thường mang sản vật đánh bắt được vào đất liền đổi lấy gạo và các thứ cần thiết cho cuộc sống.
Cả đảo chỉ có mấy chục hộ dân, mọi người sống rất đoàn kết, yêu thương nhau. Ở đây, người dân vẫn còn lưu truyền câu chuyện về vua Gia Long từng trú ngụ trên đảo, xem đó là cơ sở để khẳng định chủ quyền đối với vùng đất Hòn Nghệ.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Bí thư Đảng ủy xã Hòn Nghệ cho biết, đất nước phát triển, đời sống của người dân Hòn Nghệ đã khấm khá hơn nhờ kinh tế biển. Thế nhưng, ở xã đảo cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn; giao thông đi lại khó khăn, thiếu điện, thiếu trường học, dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Từ năm 2011, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được khởi động đã tạo đà cho Hòn Nghệ vươn mình phát triển. Để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, trong quá trình thực hiện, địa phương đã xác định biển là thế mạnh và phải tập trung đi lên từ kinh tế biển, lấy đó làm nguồn lực để khơi dậy các lĩnh vực khác.
Ước tính năm 2016, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản ở xã Hòn Nghệ đạt trên 5.600 tấn, mang về nguồn thu trên 3.200 tỷ đồng cho xã; năm 2016 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Đó là những con số biết nói, thể hiện sự đổi thay của Hòn Nghệ hôm nay.
Nhờ xác định đúng hướng, làm đúng cách nên hiệu quả mang lại khá cao. Các công trình phục vụ dân sinh dần được đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trên đảo.
Trong căn nhà nằm kề bờ biển, bên tiếng sóng biển rì rào, ông Nguyễn Lý Hùng, người dân ấp Bãi Chướng phấn khởi chia sẻ: Xã Hòn Nghệ đã có đường vòng quanh đảo, hệ thống trường lớp được quan tâm; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%; trên 90% học sinh tiểu học được ra lớp. Cùng với chính sách bảo hiểm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh cũng được quan tâm đầu tư xây dựng giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế.
Sáng sớm, trên biển Hòn Nghệ tàu ghe đánh cá nườm nợp tới lui mua bán thủy hải sản. Ghe nhỏ đưa rước khách dập dìu. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng người gọi nhau í ới tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp.
Đến nay, xã Hòn Nghệ đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới, 3 tiêu chí còn lại là trung chợ xã, trung tâm văn hóa và môi trường đang được đầu tư thực hiện. Cuối năm 2016, điện lưới quốc gia vượt biển ra đảo đã thắp sáng cuộc sống của người dân nơi đây; đồng thời, tạo sức bật để phát triển các ngành khác.
Những ngày đầu năm 2017, trong buổi ra thăm và làm việc với xã Hòn Nghệ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em nhận định, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nằm cách xa đất liền, phương tiện đi lại chưa thuận tiện, nhưng những năm qua, Đảng ủy và chính quyền xã Hòn Nghệ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Trong đó, xã Hòn Nghệ đã xác định được thế mạnh của địa phương là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Nhờ việc hỗ trợ người dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, 2 năm qua, số lượng bè cá ở địa phương đã tăng lên 400 bè, trở thành xã đứng đầu toàn tỉnh về số lượng lồng bè.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em nhận định, mỗi năm Hòn Nghệ đón khoảng 10.000 lượt du khách đến tham quan, đây là tín hiệu vui cho ngành "công nghiệp không khói" ở địa phương. Vì vậy, Hòn Nghệ cần tranh thủ sự hỗ trợ của huyện Kiên Lương cùng các sở, ngành của tỉnh Kiên Giang để đẩy mạnh xây dựng môi trường du lịch.
Xã đảo cần lựa chọn cây trồng vật nuôi, sản phẩm phù hợp, trước mắt cần sắp xếp lại diện tích và phương pháp nuôi cá lồng bè, tiến tới hình thành làng nghề truyền thống trên biển để đưa Hòn Nghệ phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
Đến Hòn Nghệ, ngắm nhìn khung cảnh non nước hữu tình, nghe những câu chuyện bàn cách làm ăn của ngư dân xứ biển, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp của Hòn Nghệ để thêm yêu biển đảo quê hương.