Một cuộc chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên nhiều khả năng sẽ biến thành chiến tranh hạt nhân. Ảnh minh họa: History. |
Ngay sau khi Triều Tiên mới đây phóng đồng loạt 4 tên lửa đạn đạo, Nhà Trắng đã tổ chức cuộc họp nội bộ về chiến lược đối phó với Bình Nhưỡng, trong đó đề cập đến khả năng sử dụng biện pháp quân sự, nhằm ngăn chặn mối đe dọa vũ khí hạt nhân và tên lửa từ nước này, theo Wall Street Journal.
Chuyên gia Harry Kazianis của National Interest cho rằng Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kỹ về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra trước khi tính đến phương án can thiệp bằng vũ lực vào Triều Tiên.
Ông Kazianis cho rằng nếu muốn phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn vào Triều Tiên, Lầu Năm Góc sẽ phải huy động một lực lượng lớn binh sĩ, khí tài hạng nặng cùng các đơn vị hậu cần, tiếp tế đến Hàn Quốc. Quá trình chuẩn bị rầm rộ như vậy không thể qua mắt các đơn vị tình báo của Triều Tiên.
Không giống như Tổng thống Iraq Saddam Hussein trước đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn Mỹ và đồng minh tập hợp lực lượng, vũ khí lớn như vậy ngay trước cửa ngõ quốc gia. Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu mạnh mẽ vì biết rằng đây là cơ hội duy nhất của họ, chuyên gia này nhận định.
"Ông Kim Jong-un sẽ biết rằng cơ hội tốt nhất và duy nhất là tấn công bằng mọi vũ khí hiện có ngay khi nhận ra dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc chiến", Kazianis nói.
Trong quá trình đó, Triều Tiên sẽ có đủ lý do để phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm đáp trả "động thái gây hấn" của Mỹ.
Theo Kazianis, lý do Triều Tiên phải bỏ hàng tỷ USD để phát triển vũ khí hạt nhân là nhằm đảm bảo rằng bất kỳ thế lực nào muốn can thiệp quân sự vào nước này sẽ phải xem xét đến hậu quả phải gánh chịu.
Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu các tên lửa của Triều Tiên có thể vươn tới Mỹ hay không thì Bình Nhưỡng rất có thể sẽ thực hiện kế hoạch đáp trả Washington bằng cách tấn công Seoul và Tokyo bằng tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên cũng có thể sử dụng những vũ khí hủy diệt hàng loạt khác mà Mỹ từng cáo buộc nước này đang sở hữu. Tuy có nhiều nhận định khác nhau, nhưng các báo cáo gần đây của phương Tây đều cho rằng năng lực vũ khí hóa học của Triều Tiên rất mạnh.
Mặc dù Bình Nhưỡng đã bác cáo buộc này, không khó để tưởng tượng ra một kịch bản ác mộng trong đó vũ khí hóa học hoặc sinh học được đưa vào sử dụng trong chiến tranh. Các vũ khí này một khi được phóng sang Hàn Quốc có thể gây ra một cuộc hoảng loạn kinh hoàng.
Ngoài ra, một khi chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ can thiệp để bảo vệ đồng minh. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn giữa nhiều cường quốc trong khu vực, kéo theo những hậu quả không ai mong muốn, Kazianis nhấn mạnh.