Dân Việt

Khó khăn trong dạy nghề giúp việc gia đình: Có lớp nhưng không có trò

Minh Nguyệt 13/03/2017 14:15 GMT+7
Đây là thực tế đang xảy ra tại nhiều trung tâm dạy nghề khi thực hiện chương trình dạy nghề giúp việc gia đình.

Tuyển sinh không dễ

Bà Nguyễn Thị Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ cho biết, hiện nay trên địa bàn TP.Cần Thơ, nhu cầu tìm người giúp việc của các gia đình khá lớn. Một số gia đình người nước ngoài sống ở Cần Thơ cần tuyển giúp việc gia đình (GVGĐ) biết ngoại ngữ nhưng không thể tìm được.

“Hiện trung tâm có ký kết với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Cần Thơ về việc đào tạo kỹ năng làm công việc nhà cho lao động. Mỗi lớp chỉ cần 5-10 lao động là có thể triển khai được, sau đó mới nhân rộng” – bà Vân nói. Mặc dù đang triển khai nhưng theo bà Vân, hiện nay khâu khó nhất chính là tuyển sinh, bởi tâm lý nhiều lao động nữ không muốn đi học.

Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội) từng là một trong những đơn vị đi đầu về việc dạy nghề GVGĐ. Theo đó, trung tâm này đã đăng tải tuyển sinh đào tạo GVGĐ, thời gian học trong vòng 1 tháng. Nội dung đào tạo bao gồm: Dọn dẹp nhà, phục vụ ăn, uống cho gia đình.

Một nhân viên của trung tâm này cho hay, mặc dù trung tâm đăng thông tin tuyển dụng rất cụ thể, nhưng chương trình vẫn... chưa triển khai được. “Trước đây, chúng tôi có một đối tác là công ty môi giới nghề GVGĐ có đặt lịch nhờ đào tạo lao động giúp việc. Thế nhưng, sau khi triển khai một thời gian thì không thấy đơn vị đó hồi âm, vì vậy chúng tôi cũng chưa triển khai được” – chị này cho biết thêm.

Khó vì lao động lười học

Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD) cho biết, khó khăn nhất của công tác đào tạo GVGĐ chính là lao động hiện nay không hào hứng học nghề mà muốn kiếm tiền ngay. Lý do: Kể cả không học nghề, họ vẫn có việc làm bởi thị trường GVGĐ hiện nay cầu đang lớn hơn cung. Bên cạnh đó, việc ban hành giáo trình dạy nghề, kỹ năng tiêu chuẩn nghề nghiệp chưa cụ thể, cơ quan quản lý không có chế độ hỗ trợ học nghề.

img

Lao động giúp việc gia đình không có nhu cầu học nghề.  Ảnh: M.N   

Hiện cả nước có khoảng gần 300.000 người GVGĐ. Ước tính tiền lương hiện nay của nhóm lao động này từ khoảng 3,5 - 4 triệu đồng khiến nhiều lao động không có ý thức đi học để nâng cao tay nghề”. 

Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới,
gia đình và phát triển cộng đồng 

“Năm 2015, CFCD và Viện Khoa học dạy nghề (Bộ LĐTBXH) đã nghiên cứu và xây dựng được bộ tiêu chuẩn về GVGĐ. Tuy nhiên, sau một thời gian trình Bộ LĐTBXH, Tổng cục Dạy nghề, tới nay các đơn vị này vẫn chưa ban hành được bộ tiêu chuẩn. Do vậy, các trung tâm, đơn vị thực hiện dạy nghề GVGĐ chưa có khung chương trình, giáo trình dạy nghề mà chủ yếu tự dạy theo kinh nghiệm có sẵn” - bà Ngọc Anh nói.

Ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện nay Bộ LĐTBXH cũng đã làm việc và giao công tác dạy nghề GVGĐ cho Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai. “Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số công ty đưa người Việt Nam GVGĐ đi làm việc ở nước ngoài tại thị trường Đài Loan, Malaysia… là có chương trình dạy nghề. Còn lại, các trung tâm, trường dạy nghề chỉ dạy chương trình thuộc dịch vụ thẩm mỹ hoặc ẩm thực như: Nấu ăn, cắm hoa, trang trí nhà, làm bánh…, còn dạy nghề GVGĐ thì chưa có” – ông Tiến chia sẻ.