Trong 2 tuần qua, tại Hà Nội đã có tới 23 người nhập viện cấp cứu vì uống phải rượu pha methanol, trong đó 2 người đã tử vong, nhiều người vẫn trong tình trạng hôn mê, phải lọc máu (chỉ có 5 người được ra viện).
Hơn 1.000 lít rượu không nhãn mác, đựng trong can hóa chất được phát hiện chiều 9.3 tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: G.Đ
Rượu mà các nạn nhân uống phải thường được gọi là rượu quê, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, rượu pha chế thủ công. Trong đợt “truy quét” rượu không rõ nguồn gốc ngày 7.3, Sở Y tế Hà Nội cũng đã thu được mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng 2.000 lần tại quán cơm ở Mỗ Lao, Hà Đông. Với hàm lượng methanol như vậy, các chuyên gia y tế cho biết, chỉ cần 1-2 chén là người uống có thể ngộ độc.
Trung tuần tháng 1, tại Phong Thổ, Lai Châu đã xảy ra vụ ngộ độc methanol khiến 9 người tử vong và hơn 100 người nhập viện. Mẫu rượu thu được tại vụ ngộ độc có hàm lượng methanol vượt ngưỡng từ 970 lần đến 5.560 lần.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các ca ngộ độc methanol cấp chắc chắn uống phải rượu pha cồn methanol chứ không có rượu gạo, rượu ngô nào có nồng độ methanol cao như vậy.
Chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn chục người tử vong vì methanol, hàng trăm người nhập viện, hàng chục nhà tán gia bại sản vì phải chi phí cho người thân lọc máu, hồi sức. Và chắc chắn có hàng ngàn, hàng chục nghìn người đang bị methanol ngấm dần vào cơ thể và huỷ hoại sức khoẻ, không biết bệnh tật, sống chết sẽ đến lúc nào. Nhưng những thủ phạm “giết người” vẫn có mặt ở nhiều nơi, chưa bị xử lý triệt để.
Những hộ sản xuất rượu giả, rượu cồn methanol chắc chắn biết về sự độc hại của methanol nhưng vẫn sản xuất để đi phân phối cho hàng trăm, hàng nghìn đại lý. Những người bán hàng thấy rượu rẻ một cách vô lý nhưng vẫn mua về bán cho khách hàng. Giống như một số ít hộ phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích rau mọc mà không dám ăn rau do chính mình sản xuất, những kẻ sản xuất rượu methanol chắc chắn cũng không dám uống rượu do mình nấu. Biết rượu độc nhưng vẫn mang đi đầu độc mọi người, một cách cố ý.
Và hàng trăm nghìn người vẫn đang hồn nhiên mua rượu không rõ nguồn gốc, giá rẻ bất ngờ để cùng tiệc tùng, chiêu đãi nhau. Chắc chắn họ cũng biết “đồ rẻ sẽ không chuẩn”, đồ không nguồn gốc càng đáng nghi ngại nhưng vẫn cứ mua, cứ uống... Ngoài việc dễ ngộ độc, rượu cũng phá huỷ sức khoẻ một cách nghiêm trọng, là “chất xúc tác” hơn 200 căn bệnh hiểm nghèo. Vậy nhưng nhiều người vẫn thường xuyên nhậu nhẹt, uống say xỉn, tự giết chết bản thân mình - hoặc nhanh, hoặc chậm.