Trung tuần tháng 3, phòng học nhỏ cơi nới từ căn nhà cấp 4 của Nguyễn Văn Sỹ (29 tuổi, xã Hoa Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) chật kín các em nhỏ. Trên bảng, “thầy giáo” Sỹ xắn tay áo viết bài ôn tập cho học trò, để lộ những hình xăm chi chít. Nhìn Sỹ kiên nhẫn giảng bài, không ai nghĩ anh từng có quá khứ bất hảo, bị liệt vào “danh sách đen” của công an địa phương.
Từ đầu gối đến cánh tay của Sỹ chi chít hình xăm từ những năm nghiện ngập. Ảnh: Tiến Hùng.
Sỹ cho hay đây chỉ là một trong 22 lớp dạy thêm của anh tại nhà. Tất cả lớp học đều do mình Sỹ dạy gồm hai môn Toán và Hóa, từ lớp 7 đến lớp 12. “Phòng quá chật, trong khi mình có gần 200 học sinh, nhiều em học cả 2 môn nên phải chia ca để dạy. Mỗi lớp chỉ khoảng 20 em. Các em phần lớn đều nhà ở Hoa Thủy và các xã lân cận, cá biệt có em nhà cách đây đến 15 km”, Sỹ nói.
Là con thứ ba trong gia đình 5 người, Sỹ và các anh em được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn mặc dù gia cảnh khó khăn. Những năm phổ thông, Sỹ luôn là một trong những học sinh giỏi của trường. Năm 2007, chẳng mấy khó khăn, Sỹ thi đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng. “Nhà mình có đến 3 anh em cùng học tại trường này. Những năm đầu mình rất ngoan, luôn là sinh viên giỏi. Nghỉ hè, mình về quê mở lớp dạy thêm cho các em gần nhà kiếm thêm thu nhập”, Sỹ kể.
Cuộc đời Sỹ rẽ sang hướng khác từ năm 2009. Dịp nghỉ hè sau năm 2 đại học, một số bạn học thời cấp 3 ra tù trở về làng. “Bạn cũ gặp lại đúng dịp nghỉ hè nên thường xuyên tụ tập, chơi bời. Trong một lần ăn nhậu, được bạn rủ, mình thử dùng ma túy để rồi lún sâu”, Sỹ kể. Làng quê khi ấy là điểm nóng ma túy cũng như an ninh trật tự. Hai năm trước, làng có đến 42 thanh niên nghiện ngập.
Kết thúc kỳ nghỉ hè, Sỹ rời quê vào Đà Nẵng mang theo những cơn nghiện hành hạ. Để thỏa mãn, những tài sản ít ỏi phục vụ cho việc học bị Sỹ cầm cố, lấy tiền mua ma túy. Vài tháng sau bố Sỹ qua đời vì tai nạn giao thông. Buồn bã sau cái chết của bố càng khiến Sỹ đến gần hơn với ma túy. Cũng từ đó, những hình xăm lần lượt xuất hiện trên khắp cơ thể cậu sinh viên giỏi.
“Mình xăm từ đầu gối lên khắp người, kín cả hai tay. Cứ mỗi lần thấy chán nản lại xăm mình”, Sỹ kể. Một năm sau, gia đình mới biết tin Sỹ nghiện ma túy. Cậu được mẹ xin phép nhà trường đưa đi cai nghiện. Trong hai năm, người mẹ 9 lần đưa con đi cai. Tài sản trong nhà lần lượt ra đi, nhưng Sỹ vẫn không đoạn tuyệt được với ma túy.
Phòng học chật, Sỹ phải chia thành nhiều lớp để dạy. Ảnh: Tiến Hùng.
Việc học bị ngắt quãng bởi những lần đi cai, tới năm 2013 Sỹ mới tốt nghiệp đại học, trễ hơn bạn bè cùng lớp một năm. “Lần đi cai lâu nhất gần 4 tháng, còn lại chỉ vài tuần. Cũng may mắn là mặc dù nghiện ngập nhưng kiến thức của mình dường như chẳng bị ảnh hưởng”, Sỹ cho hay.
Chẳng còn hy vọng vào con trai, mẹ Sỹ đành bỏ mặc. Sau khi hoàn thành việc học, Sỹ sống nay đây mai đó. Đến cuối năm 2014, được sự động viên của anh trai và Công an huyện Lệ Thủy, Sỹ quyết định phải đoạn tuyệt được với ma túy.
“Sau hơn 5 năm chìm trong ma túy, mình đã trải qua quá nhiều tủi nhục. Mẹ tần tảo khóc hết nước mắt. Những em nhỏ trước được mình dạy thêm giờ gặp lại nó chào mình cũng chẳng dám gật đầu. Các trinh sát ma túy thì quá quen mặt vì mình nhiều lần nằm trong chuyên án của họ. Tuy nhiên, có lẽ biết được quá khứ của mình nên các anh thường động viên cai nghiện. Vì vậy, mình quyết định dù sao cũng phải bỏ”, Sỹ nói về động cơ khiến anh bỏ được ma túy.
Để cai nghiện, lần này Sỹ không tới trung tâm. Anh nhờ anh trai xích chân trong nhà suốt một tháng. Sau khi cắt được cơn, vừa tháo xích, Sỹ bắt xe khách qua Lào để làm việc cùng anh trai nhằm tránh xa bạn nghiện. Sau một năm làm việc tại đây, Sỹ tin rằng mình đã đoạn tuyệt được với ma túy nên về quê sống với mẹ.
Đầu năm 2016, người hàng xóm nhờ Sỹ dạy kèm cho con. Kể từ đó, nhiều em gần nhà cũng đến xin được dạy kèm, lớp học của Sỹ đông dần. “Ban đầu mình dạy miễn phí cho các em, việc dạy cũng giúp ích mình nhiều. Nó khiến bản thân không có thời gian rảnh rỗi để nghĩ đến ma túy. Tuy nhiên, sau này lớp đông đúc, nhiều em tự nguyện đóng học phí”, Sỹ cho hay. Khoản tiền đó giúp Sỹ phụ mẹ trang trải cho cuộc sống, bù đắp lại những năm bất hảo. Để phục vụ việc dạy, sau giờ lên lớp, Sỹ tập trung lên mạng để bổ sung kiến thức.
“Lúc đầu thấy anh Sỹ người đầy hình xăm cũng sợ nhưng giờ thì quen rồi. Anh Sỹ dạy rất dễ hiểu”, Hương Lan, một học trò của Sỹ nói.
Nguyễn Văn Sỹ từng là sinh viên giỏi trước khi dính vào ma túy. Ảnh: Tiến Hùng.
Nghe tin Sỹ cai được ma túy, mở lớp dạy thêm, thượng tá Trương Minh Vũ, Trưởng Công an huyện Lệ Thủy, cùng các cảnh sát ma túy thường xuyên đến nhà động viên. “Đó là bó hoa thượng tá Vũ đến tặng mẹ hôm 8/3”, Sỹ cho hay. Biết Sỹ học giỏi, đầu năm 2017, thượng tá Vũ liên hệ với trường học gần nhà mượn phòng, giúp anh mở thêm một lớp học mang tên “Chung tay - góp sức”. Lớp học miễn phí này gồm 70 học sinh cuối cấp được Sỹ dạy kèm để thi đại học.
“Chúng tôi đang đợi xem kết quả thi đại học của học trò được Sỹ dạy thêm như thế nào rồi sẽ mở rộng. Đơn vị cũng dự định tạo điều kiện cho Sỹ học thêm về nghiệp vụ sư phạm để đảm bảo cho việc dạy. Hiện tại có thể nói Sỹ đã thôi dùng ma túy, tuy nhiên đối với những người từng dùng nó thì việc tái nghiện rất dễ dàng, vì vậy xã hội nên quan tâm, giúp đỡ”, thượng tá Vũ nói.