Dòng sông Kôn chia cắt khoảng 1.000 hộ dân ở 2 thôn Tân Kiều và Hòa Phong với 7 thôn còn lại của xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Không có cầu kiên cố nên người dân phải đi qua cầu tạm Thị Lựa bằng gỗ đã xuống cấp, xiêu vẹo hoặc qua đập thủy lợi Đại Bình.
“Mỗi lần qua đập tràn sợ thót tim, phải nín thở. Biết là rất nguy hiểm nhưng không đo qua đường này thì phải đi đường vòng cả 10km rất bất tiện nên nhiều người liều mình băng qua”- bà Mạnh Thị Thu (51 tuổi) lo lắng.
Đập thủy lợi Đại Bình dài khoảng 100m, rộng chừng 80cm, nhiều đoạn cua gấp khúc, không lan can. Phía dưới là dòng sông Kôn, chảy cuồn cuộn… rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Xuân Quang (58 tuổi), cho hay, đập được xây dựng khoảng năm 1970, ban đầu chỉ phục vụ cho thủy lợi, không có lối đi. Nhưng do nhu cầu đi lại của người dân nên HTX nông nghiệp đã dùng xi măng làm mặt đường bê tông rộng khoảng 0,5m trên đập tràn.
Do mặt đường hẹp, nhiều đoạn cua gấp khúc nên chỉ cần sơ sẩy là rơi xuống sông và bị nước cuốn đi. Nhiều trường hợp rơi xuống đập may mắn thì bị thương nặng.
“Tôi đã chứng kiến gần chục trường hợp chết rất thương tâm khi đi qua đập tràn Đại Bình. Học sinh có, người lớn có…, người dân đang mong mỏi cây cầu kiên cố để bớt nỗi lo khi qua sông”- ông Quang chia sẻ.
Ông Đặng Văn Lành - Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, cho biết nhiều năm nay người dân liên tục kiến nghị xây cầu kiên cố bắc qua sông Kôn nhưng đến nay vẫn chưa được. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đã lập dự án xây cầu vượt lũ từ thôn Tân Kiều bắc qua thôn Thiết Tràng với kinh phí khoảng 83 tỉ đồng (với thiết kế hai làn đường, đủ cho xe tải qua lại) nhưng chưa được cấp trên phê duyệt.
Ông Bùi Văn Chánh - Nguyên Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, cho biết: “Hàng chục năm qua người dân chúng tôi phải đối mặt với nguy hiểm khi đi qua sông. Ai cũng lo sợ, biết nguy hiểm nhưng đành làm liều. Thực sự, nếu không có kinh phí làm cầu kiên cố, chỉ cần đầu tư khoảng 10 tỷ đồng thì người dân xã Nhơn Mỹ cũng có cây cầu an toàn để đi lại. Nhưng không biết chờ vốn từ đâu (?!)”. |