Phần 2: Kho báu khổng lồ
Kho báu chứa đầy cổ vật
Ngôi mộ của pharaoh Nepkheperura Tutankhamun (gọi tắt là vua Tut, 1341-1323 trước Công nguyên) nổi tiếng với những cổ vật gần như còn nguyên vẹn sau hàng ngàn năm và cũng vì tin đồn về lời nguyền bí hiểm của nó.
Nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter đã phát hiện ra ngôi mộ của vua Tut năm 1922, nhỏ hơn những ngôi mộ của các vị vua khác nhưng lại chứa đầy vàng bạc quý giá. Bên trong phòng tiền sảnh là những đồ nội thất và những chiếc xe ngựa dát vàng. Phòng mai táng chứa quan tài 3 lớp với lớp trong cùng được làm từ hơn 100 kg vàng ròng, nhiều tượng vàng, những chiếc hòm chứa đầy những món trang sức vô giá. Tổng cộng, theo website King-tut.org.uk, ông Carter đã thu thập gần 3.000 món cổ vật khác nhau bên trong mộ và ông mất đến 10 năm để thu dọn và phân loại chúng.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định chính xác giá trị của những châu báu tìm thấy trong ngôi mộ vua Tut, vốn đang được cất giữ tại Bảo tàng Cairo.
Vua Tutankhanmun được chôn cất cùng các con
Khi nhà khảo cổ Carter phát hiện ra lăng mộ của vuaTutankhamun, ông nhìn thấy một căn phòng chứa đầy vàng bạc vô giá như những bức tượng làm bằng vàng ròng, đồ trang sức dùng trong các nghi lễ, những chiếc thuyền nhỏ thể hiện ước muốn về cuộc hành trình đến Netherworld và một ngôi đền để chứa nội tạng ướp của Pharaoh. Thêm vào đó, khu hầm mộ còn có hai quan tài nhỏ chứa hai xác chết trẻ con.
Sau khi kiểm tra DNA, các nhà khảo cổ kinh ngạc phát hiện ra một trong hai xác chết đó là con gái chết yểu của vua Tutankhamun. Xác ướp còn lại dường như cũng là con của vị vua này. Các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng, vị vua trẻ và người chị gái sinh ra những đứa con từ mối quan hệ cận huyết nên chúng thường bị dị tật và chết non.