Dân Việt

Báu vật của người lính già

11/09/2011 20:23 GMT+7
(Dân Việt) - Trò chuyện với cựu chiến binh Trần Quốc Phong hiện đang sống ở Đào Duy Anh, thành phố Huế (Thừa Thiên- Huế), tôi được ông kể cho nghe về những lá thư thời chiến của ông.

Ông cho biết: “Đây là những lá thư trong số rất nhiều những lá thư tôi viết từ năm 1966 đến năm 1972 ở chiến trường Tây Nguyên và chiến trường Quảng Trị. Những lá thư này được vợ tôi cất giữ cẩn thận. Hơn 40 năm qua, nó là báu vật của gia đình tôi. Hàng ngày, chúng tôi ngồi bên nhau đọc lại những bức thư ấy, nhớ về chiến trường xưa”.

img
Ông Trần Quốc Phong đọc lại những bức thư của một thời đạn lửa.

Trần Quốc Phong sinh ngày 25.12.1930 tại Hương Vinh, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1945, ông bị địch bắt, đánh đập, tra khảo vì có cha đi kháng chiến (cha của ông là Trần Gia Hội, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân). Ngày 1. 6.1949, ông lên đường nhập ngũ vào Đoàn quân Vệ quốc.

Mới 20 tuổi, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông tham gia chiến đấu ở các chiến trường: Tây Nguyên, Bình Trị Thiên, Trung Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Ông tập kết ra Quảng Bình tháng 10.1954, sau đó lấy vợ năm 1956.

9 năm sau ngày cưới, ông tạm biệt vợ và hai con để vào chiến trường Tây Nguyên đánh Mỹ. Những lá thư ấy không cầu kỳ nhưng sâu sắc, chứa đựng tình yêu của ông với Tổ quốc, với những người thân trong gia đình, đặc biệt với người vợ trẻ- Ngô Thị Bích Thanh. “Em yêu quý! Anh đã đi gần hết đất Quảng Bình rồi, chỉ còn vài hôm nữa là sang đất Quảng Trị, và sẽ tạm biệt miền Bắc thân yêu. Cấp trên cấm ngặt vấn đề gửi thư. Thế nhưng vì thương em, không nỡ để em đau khổ trong bước đầu xa anh, nên anh trộm phép viết lá thư này cho em đây”.

Từ cuối năm 1969 đến đầu năm 1972, ông được cử đi học tại Trường Đại học Quân y ở Hà Đông, Hà Tây (nay là Học viện Quân y). Sau khi học xong, ông ở lại trường làm Trợ lý Ban Giám hiệu Trường Đại học Quân y. Ngày 9.5.1972, ông chỉ đạo một đoàn sinh viên đi thực tập ở chiến trường Quảng Trị. Tại đây, ông tiếp tục vừa chiến đấu, vừa chuyển thương hỏa tuyến. Vì vậy, những lá thư khi ấy lại thấm mùi khói bom, thậm chí là cả máu và nước mắt.

Những bức thư ấy là cầu nối liên lạc duy nhất giữa ông với gia đình. Trong thư, ông luôn động viên vợ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, tin vào chiến thắng của quân, dân ta, và ông hứa sẽ giữ trọn lòng thủy chung, son sắt với người vợ yêu dấu. Trong thư ngày 13.7.1972, ông viết: “Anh chưa bao giờ và sẽ không bao giờ phụ tấm lòng yêu thương nồng thắm, và tình nghĩa thủy chung, son sắt của em đâu. Anh sẽ giữ gìn trọn vẹn cho em tất cả những điều mà em mong muốn...”.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, ông trở về đoàn tụ với gia đình. Nơi quê nhà, bà Ngô Thị Bích Thanh một mình nuôi dạy các con khôn lớn, đợi ông về. Tất cả những lá thư ông gửi về, bà đều cất giữ cẩn thận.