Dân Việt

Đừng ai như Nguyễn Thị Thành, vì hàm răng mà bỏ lỡ giấc mơ nhan sắc

PV 14/03/2017 08:30 GMT+7
Vụ việc Á khôi Du lịch Nguyễn Thị Thành bị tước danh hiệu vì 8 chiếc răng sứ đang làm nóng dư luận, nhiều người nhận xét cô quá dại dột vì đã làm thẩm mỹ trước khi đi thi.

Sau khi quyết định thu hồi danh hiệu Á khôi 1 của người đẹp Nguyễn Thị Thành do Ban tổ chức cuộc thi Hoa khôi Du lịch 2017 đưa ra vào hôm qua, 13.3, người đẹp này đã chính thức trở thành người đẹp Việt đầu tiên bị thu hồi danh hiệu.

Cùng với việc bị mất danh hiệu Á khôi, Nguyễn Thị Thành còn bị tuốt mất cơ hội tham dự cuộc thi Miss Eco International tại Ai Cập sắp tới. Cư dân mạng gọi cô là "người đẹp xấu số". Bởi chưa từng có tiền lệ một người đẹp bị thu hồi danh hiệu trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc quy mô toàn quốc.

img

Người đẹp bị tước danh hiệu Nguyễn Thị Thành

Thật khó để tìm kiếm một vẻ đẹp hoàn hảo "100% thiên nhiên" trong showbiz Việt lẫn đời thường. Không chỉ là bơm mông, bơm ngực, không chỉ là tiêm botox cơ nhai để tạo khuôn mặt V-line, tiêm filler tạo vầng trán rộng cao sang hay độn mũi S-line thanh tú. Xóa bọng mắt, xẻ mí, bọc răng sứ và niềng răng là những tiểu phẫu đại chúng đến mức từ lâu người ta quên luôn hành vi đó cũng là giải phẫu thẩm mỹ.Chuyện những cái răng của Nguyễn Thị Thành là một vấn đề đáng suy ngẫm trong cách tổ chức, lựa chọn Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp tại Việt Nam. Quy định "Chưa qua giải phẫu thẩm mỹ" thực chất mới được bổ sung vào "Quy chế tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, người đẹp" sửa đổi năm 2008. Thời điểm đó, công nghệ thẩm mỹ đã trở nên vô cùng thịnh hành. 9 năm sau, ở năm 2017 này, giải phẫu thẩm mỹ đã phổ biến và quen thuộc như… việc tỉa lông mày của các bà các mẹ thập niên 90.

img

Người đẹp Nguyễn Thị Thành và hàm răng đã được can thiệp thẩm mỹ

Người Việt Nam có câu "cái răng cái tóc là góc con người". Hàm răng được đánh giá vô cùng quan trọng trong ngoại hình của con người nói chung, không riêng gì phụ nữ. Người xưa còn nhìn hàm răng để đoán tính cách và vận mệnh của một người. Người phương Tây cũng vô cùng coi trọng hàm răng. Đó là lí do, trẻ em phương Tây sau khi thay toàn bộ răng trưởng thành sẽ được bố mẹ đưa đi chỉnh nha. Và nếu đem tiêu chí của Quy chế thi Hoa hậu Việt Nam ra đánh giá, thì đại đa số các Hoa hậu từng đăng quang các cuộc thi nhan sắc quốc tế đều đã phẫu thuật thẩm mỹ. Không khó để nhận ra, phần lớn các Hoa hậu lẫn Á hậu đều có hàm răng bọc sứ.

img

Hoa hậu Mai Phương Thúy đã can thiệp răng sau khi đăng quang

Dĩ nhiên, những người tổ chức thi Hoa hậu ở Việt Nam hiểu điều này. Họ thực sự rất hiểu. Thế nên mới có chuyện Hoa hậu Mai Phương Thúy trước khi lên đường thi Hoa hậu Thế giới 2006 đã phải tân trang lại toàn bộ hàm răng khấp khểnh ố màu tetracyclin. Người đẹp Hương Giang gây tiếng vang tại Hoa hậu Thế giới 2009 cũng nhờ nụ cười ngọt ngào với hàm răng đã chỉnh nha đều đặn thay cho hàm răng dài ngắn thất thường trước đó. Tóm lại, mặc dù không chấp nhận các người đẹp chỉnh sửa nhan sắc để thi trong nước, nhưng các "nhà sản xuất" Hoa hậu lại cho phép (thậm chí yêu cầu) họ chỉnh sửa nhan sắc để thi quốc tế. Điều này xem ra không thực sự "fair-play".

img

Khó nhận ra Mai Phương Thúy bởi cảng ngày cô càng có vẻ đẹp hoàn hảo, khác hẳn so với khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam vào năm 2006

Điều đáng quan tâm với các nhà tổ chức sân chơi nhan sắc trong nước là, sự phát triển của công nghệ thẩm mỹ lại Việt Nam đã tinh vi đến mức có những can thiệp thẩm mỹ không để lại một tì vết nào làm bằng chứng nào ngoại trừ những bức ảnh chụp trước và sau can thiệp. Ví như các công nghệ tiêm filler làm đầy trán, tiêm filler để nâng mũi, tiêm botox xóa nếp nhăn, tiêm botox làm thon mặt, cắt bỏ nốt ruồi phá tướng bằng tia laser, chiếu ánh sáng xóa tàn nhang, nám và chàm bẩm sinh, tiêm dưỡng chất làm trắng da… Một cô gái có thể lột xác về ngoại hình nếu bỏ đi một nốt ruồi vô duyên hay tẩy đi toàn bộ mảng da bị chàm xấu xí trên mặt. Một cô gái từ cú có thể thành thiên nga nếu thay đổi làn da đen sần nhám thành làn da trắng sứ nõn nà. Nhưng Ban giám khảo nào xác định làn da đó là nguyên thủy, là trắng nhờ kem trộn hay là trắng do thẩm mỹ mà có? Nhìn vào dàn thí sinh Hoa hậu nõn nường trong phần thi áo tắm, ai biết được cô nào trắng tự nhiên và không phải trắng tự nhiên giữa trào lưu kem trộn và tắm trắng đi sâu vào từng ngõ ngách từ thành thị đến nông thôn hiện nay?

img

Hoa hậu Ngọc Hân với hàm răng đều tăm tắp- ảnh trước và sau khi đăng quang vào năm 2010

Lẽ ra, chuyện "thay da đổi thịt" còn lớn hơn chuyện những chiếc răng nhiều chứ. Mai Phương Thúy liệu có thể lọt vào danh sách những Hoa hậu đẹp nhất Việt Nam nếu vẫn giữ nguyên làn da bánh mật trước đây? Đặng Thị Ngọc Hân liệu có thể thoát khỏi "tiếng xấu" ngoại hình nếu không mạnh dạn tẩy làn da đen bóng bẩm sinh thành làn da trắng sứ? Ấy thế mà, chưa từng có cô gái nào bị rời khỏi cuộc thi hay bị tước danh hiệu vì tắm trắng.

Dĩ nhiên, công chúng cũng chẳng mong các cô gái "lột da" bị tước danh hiệu. Bởi họ có quyền làm đẹp trong khả năng của mình và trong một mức độ cho phép. Thay làn da đen thành trắng theo đúng tiêu chuẩn vẻ đẹp phương Đông mà không bị tổn hại tới sức khỏe, nên chứ. Thay hàm răng khấp khểnh xấu xí hay hàm răng bị tàn dư của thời tetracyclin xỉn mủn yếu ớt thành hàm răng đều tắp trắng khỏe, nên chứ. Tẩy đi những mảng chàm đen bẩm sinh trên cơ thể hay trên mặt, nên chứ. Chỉ có những quan điểm lỗi thời về cái đẹp và bảo thủ về cách làm đẹp mới cho là không nên mà thôi.

Thế nên, sau hàm răng đáng tiếc của Nguyễn Thị Thành, hi vọng sẽ không có cô gái nào vì hàm răng mà lỡ mất giấc mơ nhan sắc. Cũng hi vọng nhan sắc Việt không phải vì những chiếc răng mà lỗi hẹn với các sân chơi quốc tế.