Tại buổi làm việc Hội bảo trợ quyền trẻ TPHCM, chị C., mẹ bé gái trong nghi án bị xâm hại tại trường tiểu học Lương Thế Vinh, Thủ Đức, TPHCm đã chia sẻ nhiều thông tin về sự việc với báo chí.
Theo đó, tối 14/2, chị C. phát hiện chiếc quần con gái đang mặc và hai chiếc quần thay trước đó đều dính rất nhiều máu. Sau một lúc hoảng loạn và gọi điện cho một số người, chị cố gắng giữ bình tâm nói chuyện với con. Mới đầu cháu chỉ lặp đi lặp lại “Con có chuyện này kể cho mẹ” nhưng không nói ra mà chỉ khóc rồi liên tục kêu đau.
Chị C. bật khóc khi kể lại những lời con chia sẻ
Cháu kêu: “Con đau lắm mẹ ơi. Từ chiều đến giờ còn không đi tiểu được, con đau lắm!” rồi nài nỉ: “Mẹ đưa con đi bác sĩ đi”. Chị nhẹ nhàng nói, con muốn bác sĩ giúp con hết đau, con phải cho mẹ và bác sĩ biết con bị gì. Đến lúc này cháu khóc to, kêu: “Chú làm con đau lắm mẹ ơi”.
Cháu đưa tay chọt chọt, vỗ vỗ xuống bàn diễn tả lại động tác và hồn nhiên nói: “Chú làm như ba đóng đinh vậy đó mẹ!”. Trái tim người mẹ lúc đó muốn vỡ nát.
Kể đến đây, chị C. chảy nước nước, nghẹn ngào nấc lên từng tiếng.
“Tôi là một người vợ, một người mẹ... khi nhìn con tôi đã biết chuyện gì xảy ra với cháu. Nhưng tôi vẫn không dám tin cho đến khi chính cháu thốt ra”, chị C. đưa khăn lau nước mắt.
Ngay trong đêm, chị gọi taxi đưa con vào bệnh Từ Dũ thăm khám cho cháu và được các bác sĩ ở đây hướng dẫn chị gửi tố cáo lên cơ quan công an về việc con mình bị xâm hại.
Chị C. kể, cháu kể lại rất rõ sự việc là lúc đó cháu đang bỏ giày lên kệ, người xấu đi từ phía sau phía sau. Các bạn khác nhìn thấy liền bỏ chạy, còn con chỉ mới chạy được một hai bước thì đã bị chú kéo lại, giữ con lại rồi làm đau con.
Những ngày sau đó cháu vô cùng hoảng loạn, sợ hãi, nói không muốn đi học ở trường Lương Thế Vinh nữa vì sợ gặp kẻ xấu. Cháu nói khi nhắm mắt lại cũng nhìn thấy kẻ xấu làm đau cháu.
Nhà trường không hề hỏi han cháu N.?
Tối 14/2, khi thấy con bị chảy máu, chị C. đã gọi ngay điện thoại ngay cho giáo viên chủ nhiệm là Nguyễn Thị Thanh Hà hai cuộc nhưng cô Hà không nghe máy. Chị gọi cho cô bảo mẫu lớp con tên Giang kể về sự việc và nhờ cô Giang tìm và giữ lại chiếc khăn bị dính máu cháu bỏ vào thùng rác. Khi đó, cô Giang không hề nói về việc cháu khóc hay bé bị té với chị.
Hôm sau, vào ngày 15/2, khi làm việc với cơ quan công an tại trường, cô Giang nói cháu N., con chị có vấn đề về tâm sinh lý, thường hay “tự sướng” khi ngủ. Chị C. rất bức xúc vì tại sao cháu đi học từ tháng 8, một thời gian dài như vậy nếu cháu có vấn đề sao cô không trao đổi với phụ huynh để can thiệp kịp thời.
Việc cháu N. nói mình bị té trong ngày làm việc với cơ quan công an tại nhà trường như trong báo cáo được cho là của Phòng GD-ĐT Thủ Đức cách đây vài hôm, chị C. nói cả tối hôm xảy ra sự việc đến tận sáng 15/2 cháu đều khẳng định mình bị “chú làm đau”. Và việc này đã được công an dựng lại hiện trường.
Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q. Thủ Đức, TPHCM nơi phụ huynh tố cáo con con bị xâm hại trong lớp
“Tuy nhiên, trong thời gian tôi làm việc cùng công an phía dưới lớp thì bé N. ở phía trên lớp chơi với cô Giang và các bạn. Khoảng 20 phút sau khi chơi với cô Giang sau đó bé mới nói mình bị té, điều này làm tôi rất bất ngờ”, chị C. nói.
Về nguyên nhân bé bị té, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn luật sư TPHCM, Chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM nêu quan điểm là không hợp lý. Cháu N. học bán trú, nếu bé bị té đến ra máu như vậy thì tại sao nhà trường phải đưa bé lên phòng y tế hoặc đưa đến bệnh viện gần nhất?
Chị C. cũng thắc mắc, nếu con mình bị té trong thời gian nhà trường quản lý như nhà trường thông tin thì trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên quản lý ở đâu? Từ ngày xảy ra sự việc, bé không hề nhận được một lời hỏi han, chia sẻ nào từ phía nhà trường, giáo viên. Với cô giáo chủ nhiệm, chỉ duy nhất vào ngày 17/2, chị đến rút hồ sơ chuyển trường cho con thì mới gặp cô.
Các thông tin này chị C. cũng đề cập trong các lá đơn tố cáo, kêu cứu, tường trình về sự việc gửi các cơ quan chức năng. Chị cũng nói, chị rất đau lòng và suy nghĩ rất kỹ đến tương lai của con trước khi quyết định theo đuổi tố cáo sự việc nhưng chị không thể im lặng vì cả sự an toàn của nhiều đứa trẻ khác.
Chúng tôi đã tìm cách liên lạc với lãnh đạo Trường tiểu học Lương Thế Vinh như nhắn tin, gọi điện, đến tận nơi... để hỏi thêm thông tin - nhất là việc nhà trường, giáo viên không hề hỏi han bé sau khi sự việc xảy ra - nhưng lãnh đạo trường hoàn toàn né tránh, không gặp báo chí.