Câu chuyện bi tráng này tác giả ghi được trong một lần anh Trần Văn Thu (SN 1963, quê xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, Hà Nam) được mời về Đà Nẵng dự chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa-Trường Sa” và giao lưu với thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988. Giữa những người đồng chí và đồng đội của em trai mình, anh Trần Văn Thu rất xúc động khi kể về người em trai-liệt sĩ Trần Văn Bảy (SN 1964).
Thân nhân, cựu binh trận chiến Gạc Ma gặp gỡ tại Đà Nẵng. Ảnh: Đình Thiên
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước khi có bố là chiến sĩ giải phóng Điện Biên, bản thân anh Thu cũng là cựu binh khi tham gia trận chiến Vị Xuyên (Hà Giang) bảo vệ biên giới phía Bắc. Còn 2 người anh đều đã hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ - một người hy sinh ở Khe Sanh (Quảng Trị) năm 1967, còn một người hy sinh đâu đó trên đất Quảng Nam năm 1968.
"Em trai tôi - Trần Văn Bảy thuộc diện được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ với một suy nghĩ đơn giản: Khi Tổ quốc cần thì phải lên đường. Hơn nữa, gia đình có truyền thống yêu nước, bản thân nó muốn noi gương, muốn đóng góp chút sức lực cho đất nước" - anh Thu cho hay.
Tháng 3.1985, anh Bảy có lệnh nhập ngũ vào Lữ đoàn Hải quân 125, đóng quân ở TP.HCM. Khi đó anh Bảy mới 19 tuổi, vẫn chưa có bạn gái. "Ngày tiễn chân Bảy vào Nam, tại sân ga Đồng Văn chỉ có tôi và vài người thân trong gia đình. Tàu chỉ dừng ở ga có 3 phút cho hành khách lên tàu nên cả nhà chỉ kịp dặn dò Bảy phải cố gắng huấn luyện thật tốt và lâu lâu viết thư về cho gia đình. Không ngờ đây là lần cuối cùng cả gia đình được thấy Bảy" - anh Thu nghẹn ngào.
Anh Trần Văn Thu - anh trai liệt sĩ Trần Văn Bảy - xúc động khi kể về em trai mình. Ảnh: Đình Thiên
Ngồi bên cạnh anh Thu, cựu binh Dương Văn Dũng (nay đã mất), đồng đội của liệt sĩ Trần Văn Bảy rơm rớm nước mắt cho chúng tôi biết, giữa tháng 3.1988, các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và Công binh E83 được lệnh hành quân khẩn cấp về nhóm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa để làm nhiệm vụ. Đến chiều tối 13.3.1988 tàu HQ-505 đến đảo Cô Lin, tàu HQ-605 tiến lên đảo Len Đao, còn tàu HQ-604 chở anh Dũng, anh Bảy cùng đồng đội tiến thẳng đảo Gạc Ma.
Ngày 13.3.1988, khi cách đảo khoảng 0,8 hải lý bất ngờ tàu HQ-604 gặp tàu Trung Quốc. "Khi đó tôi cùng một số đồng đội đang vận chuyển vật liệu ra đảo. Tàu của Trung Quốc xua đuổi nhưng chúng tôi không nao núng. Đến rạng sáng 14.3.1988, lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo. Cuộc đụng độ đang xảy ra quyết liệt thì bất ngờ tàu Trung Quốc xả súng sàn sạt vào chúng tôi khiến nhiều chiến sĩ bị thương và tàu HQ-604 chìm dần xuống biển. Hàng chục đồng đội của tôi, trong đó có Bảy, đã bị trúng đạn và lênh đênh trên biển. Bản thân tôi bị lính Trung Quốc bắt giữ" - anh Dũng kể lại.
"Đúng 29 năm đã trôi qua, nhưng thi thể của Bảy vẫn chưa tìm thấy. Còn hai người anh Trần Văn Uộng và Trần Văn Uổng đã hy sinh năm 1967 - 1968, hiện nằm lại ở đâu cũng chưa tìm được. Nguyện vọng đằng đẵng mấy chục năm nay cho đến lúc qua đời, mẹ tôi chỉ muốn Nhà nước tìm được thi thể của 3 anh em tôi về quê hương khói" - anh Thu xúc động.