Chưa bảo vệ tốt người tố cáo
Sáng 14.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 8, cho ý kiến về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).
Ông Võ Trọng Việt.
Góp ý vào dự thảo Luật, Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội phân tích: Trong dự Luật này chi phối 3 đối tượng, thứ nhất là đối tượng công quyền (người giữ chức vụ trong cơ quan Nhà nước). Hiện cơ chế kiểm soát quyền lực của chúng ta chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, quy định trách nhiệm người đứng đầu cũng chưa rõ. Cán bộ lãnh đạo của chúng ta đa số là tốt vì dân, nhưng cũng không ít cán bộ thất đức với cán bộ cấp dưới, tham lam, thủ thuật, thủ đoạn tinh vi" - ông Việt nói.
Đối tượng thứ hai là người đi tố cáo, hiện cơ chế chưa bảo đảm quyền, thậm chí tính mạng cho họ. "Tôi chứng kiến nhiều vụ người dân đi tố cáo, bị người ta thuê cả đối tượng giang hồ đe dọa làm cho người dân đi tố cáo nhụt ý chí. Còn cán bộ trong cơ quan Nhà nước họ vì miếng cơm manh áo không dám tố sai phạm của thủ trưởng. Thiếu gì trường hợp khi cấp dưới tố cáo sai phạm của cấp trên là bị trù dập không ai bảo vệ" - ông Việt cho hay.
Đối tượng thứ ba theo ông Việt là người đi giải quyết tố cáo, đại đa số là cán bộ tốt nhưng cũng không thiếu gì người lợi dụng cơ hội để làm ăn. Chính vì thế dự thảo Luật phải làm sao chặt chẽ, để đảm bảo điều chỉnh tốt các đối tượng trên.
Bày tỏ quan điểm trước vấn đề còn hai luồng ý kiến, đó là việc tố cáo nặc danh có giải quyết hay không, ông Việt cho rằng: "Phân tích đi, phân tích lại, việc cũng có hai mặt, nhưng cái gì tối ưu, cái nào hơn thì chọn. Trong lúc đất nước như thế này mà đưa ra quy định giải quyết cả đơn thư tố cáo nặc danh thì loạn đất nước. Tôi thống nhất với quan điểm của Chính phủ chỉ giải quyết đơn thư tố cáo có danh, chính thống" - ông Việt cho biết.
Ở góc nhìn khác, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bổ sung thêm: Trong điều kiện xã hội hiện nay, không phải ai cũng mạnh dạn ghi đứng tên khi tố cáo. "Ở một trưởng tiểu học ở Hà Nội như báo chí đưa tin vừa qua (Trường Tiểu học Nam Trung Yên - PV), chỉ cần cô giáo hiệu trưởng nói vậy, các giáo viên khác trong trường không dám nói khác rồi thì vấn đề tố cáo rất khó thực hiện. Nếu quy định không xem xét đơn tố cáo nặc danh e rằng sẽ bỏ nhiều nguồn tin" - ông Bình nói.
Có người mắc bệnh tâm thần thể khiếu kiện
Ông Phan Thanh Bình góp ý thêm: Vấn đề lợi dụng tố cáo dường như chúng ta chưa có quy định xử lý rõ ràng. Có trường hợp tố cáo quanh năm, khiếu nại, tố cáo hết nơi này, nơi kia. "Chúng tôi trao đổi với bên ngành y, họ nói đó là người mắc bệnh tâm thần thể khiếu kiện, vấn đề này xử lý thế nào?" - ông Bình nêu.
Ông Bình nêu thêm vấn đề nữa là vấn đề phục hồi quyền lợi cho người bị tố cáo sai thế nào, còn chưa đặt ra. "Nhiều trường hợp sắp được bổ nhiệm bị đơn thư tố cáo, theo quy định là dừng việc bổ nhiệm lại để chờ xác minh. Khi xác minh kết luận việc tố cáo là sai thì cơ hội của người đó cũng đã bị lỡ. Chính vì thế cần phải đặt ra phục hồi quyền lợi chọ người bị tố cáo sai" - ông Bình bày tỏ.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, về hình thức tố cáo qua hộp thư điện tử, fax cũng có thể coi là hình thức gửi đơn để có cơ chế để xử lý tiến hành giải quyết. "Vì đây cũng là hình thức chúng ta tiếp cận với xu hướng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, công dân điện tử" - ông Thanh nói.