Dân Việt

Xây sân bay, nông dân lo mất nghiệp

10/09/2011 20:41 GMT+7
(Dân Việt) - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai vừa chính thức công bố quy hoạch. 5.000ha đất thuộc 6 xã Suối Trầu, Long Phước, Long An, Bình Sơn, Bàu Cạn và Cẩm Đường bị giải toả cùng với hàng ngàn hộ dân phải di dời.

Ông Hoàng Uông, 77 tuổi, ngụ ấp 1, xã Suối Trầu cho biết: Tuy Nhà nước vừa mới chính thức công bố quy hoạch xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhưng từ năm 2007 người dân ở trong vùng bị quy hoạch đã được chính quyền địa phương thông báo về việc này.

Dân băn khoăn

Theo ông Uông, xây dựng sân bay là hết sức cần thiết, sẽ tạo thuận lợi không những về lưu thông, mà còn thuận lợi phát triển kinh tế cho cả khu vực. Tuy nhiên, người dân cũng đề nghị Nhà nước sớm cho thi công xây dựng công trình, đừng quy hoạch rồi để đó.

img
Ông Hoàng Uông lo lắng không biết đến nơi ở mới có đất để trồng trọt không?

Mặt khác, công tác giải toả, đền bù đất và giá trị xây dựng cũng phải thoả đáng. Người lao động phải được bố trí ngành nghề mới phù hợp để ổn định cuộc sống tại nơi định cư mới.

“Tôi già rồi, muốn nơi đến ở mới có được mảnh vườn để vừa trồng hoa màu, vừa trồng cây cảnh cho đỡ buồn. Từ nhỏ đến lớn, tôi quen nghề trồng trọt rồi, di dời nơi khác không biết có được như chỗ đang ở hay không”- ông Uông trải lòng.

Theo những hộ khác ở xã Suối Trầu, Long Phước, Bình Sơn... cũng thuộc diện sẽ bị giải toả mà chúng tôi đã tiếp xúc thì ngoài nguyện vọng được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, họ băn khoăn sợ không đủ tiền để mua lô gia cư tái định cư. Theo những hộ này, diện tích đất của họ ít lại là đất nông nghiệp nên số tiền đền bù sẽ không được bao nhiêu, trong khi đó theo quy định, một lô đất tái định cư, tối thiểu cũng phải từ 200 triệu đồng trở lên...

Địa phương lo lắng

Ông Nguyễn Khánh-Chủ tịch Hội ND xã Suối Trầu cho biết, theo quy hoạch, 6 xã bị ảnh hưởng bởi xây dựng sân bay với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 5.000ha. Riêng xã Suối Trầu bị giải toả hết. Cụ thể, toàn xã hiện có 1.500ha đất sản xuất và đất ở bị giải toả; khoảng 2.500 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu phải đi nơi khác.

Hiện, tuy chưa có thông báo chính thức, nhưng Hội cũng đã nghe cấp trên nói, người dân trong xã sẽ được giới thiệu đến ở tại xã Phước Bình (vùng giáp ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và hai khu tái định cư thuộc xã Bình Sơn. Tuy nhiên, điều khó nhất đối với các hộ dân tại đây là hầu hết diện tích đất của người dân là đất nông nghiệp nên tiền đền bù sẽ hạn chế. Ước tính, có khoảng 40% số hộ dân tại xã nhận tiền đền bù dưới 100 triệu đồng/hộ, nên sẽ không đủ để mua một lô gia cư tại khu tái định cư từ 200 đến 250 triệu đồng.

img Từ nhỏ đến lớn, tôi quen nghề trồng trọt rồi, di dời nơi khác không biết có được như chỗ đang ở hay không. img

Ông Hoàng Uông

“Riêng về chủ trương tổ chức dạy các nghề như trồng nấm, chăm sóc cây cảnh cho lao động nam và nấu ăn, uốn tóc cho lao động nữ, địa phương đã tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong 2 năm nay, toàn xã cũng chỉ có khoảng 70 lao động chịu học nghề mà hầu hết sau khi học là tự đi kiếm việc làm”- ông Khánh cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Đức Sơn - Bí thư Đảng uỷ xã Suối Trầu, đặc thù của xã, trên 95% dân số là lao động nông nghiệp, sau khi di dời sẽ rất khó khăn để chuyển sang lao động công nghiệp. Mặt khác, lao động tại địa phương phần đông trong độ tuổi từ 40 đến 60 nên cũng rất khó trong đào tạo nghề công nghiệp. Còn nếu có đào tạo được thì họ cũng rất khó xin việc làm mới phù hợp...