Dân Việt

Dòng họ bám biển xa

Lê Đức Việt 14/03/2017 16:32 GMT+7
Vượt qua muôn trùng sóng gió, bão tố và bất trắc giữa biển khơi, các tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Việt vẫn ngày đêm bám khơi xa. Họ chí thú làm ăn và hiên ngang, vững chãi như những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những “đội tàu gia đình”

Làng Tân Lợi, khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh bây giờ được nhiều người gọi là “làng chài tỷ phú”- là số ít những ngôi làng có truyền thống bám khơi xa ở Quảng Trị. Chỉ riêng dòng họ Bùi đã có đội tàu thuyền chiếm đến khoảng 2/3 tổng số tàu thuyền đánh bắt hải sản của toàn thị trấn. Trong đó, khoảng 30/90 tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn chuyên đánh bắt ở các ngư trường như Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc bộ, Tây Nam bộ…

Năm nay đã 86 tuổi nhưng cụ ông Bùi Đình Chình vẫn chống gậy bước đi khỏe khoắn dọc theo bờ kè bên chân cầu Cửa Việt. Cụ dõi đôi mắt vẫn còn tinh tường ra phía biển, mong ngóng 5 chiếc tàu cá của 6 người con trai đánh bắt khơi xa trở về. Hỏi cụ nhớ biển không, cụ trả lời chắc nịch “Nhớ lắm chứ, nhớ những ngày vùng vẫy giữa đại đương mênh mông. Nhưng sức khỏe không cho phép nữa nên tôi nghỉ biển 10 năm nay. Tôi nghỉ nhưng đã có các con trai nối nghiệp, nay cũng dạn dày sóng gió lắm rồi. Yên tâm và vui lắm”.

 img

Chiếc tàu vỏ thép đang đóng mới của anh Bùi Đình Huệ

 Cụ kể, khoảng 13, 14 tuổi cụ đã theo cha ra biển. Những ngày dong buồm trên chiếc thuyền nan bé xíu, đánh bắt từ đảo Cồn Cỏ trở vào cũng đủ đắp đổi nuôi sống gia đình. Trưởng thành rồi lấy vợ, vợ chồng cụ sinh được 6 đứa con, trong đó có 5 con trai. Với nghề biển, có đông con trai đồng nghĩa với sự bảo chứng cho nghề biển được lưu truyền trong mỗi gia đình, dòng họ.

Là một trong những bậc thầy trong nghề đi biển xa khơi, cụ là người am tường từng luồng lạch, vùng biển nhiều hải sản, cách định hướng trên biển bao la thuở còn lênh đênh với chiếc thuyền gỗ thô sơ tự tay đóng bằng những cây rừng đẵn được.

Đã từng kinh qua những trận bão tố lớn ngoài khơi, nhưng bằng kinh nghiệm dạn dày được lưu truyền cùng sự thông minh đĩnh đạc, cụ và bạn thuyền chưa bao giờ lạc lối. Ở vùng biển Cửa Việt, cụ Chình là một trong những ngư phủ cự phách thực thụ, được các thế hệ ngư dân cùng thời và sau này vô cùng kính nể. “Bây chừ đời con cháu thì sướng rồi, đi biển khỏe re vì tàu thuyền đều có công suất lớn, trang bị máy móc hiện đại, đâu như thời chúng tôi…”, cụ Chình thoáng chút suy tư. Cụ kể, nối nghiệp và lĩnh hội kinh nghiệm quý từ cha, 5 người con trai của cụ đều nối nghiệp biển và còn vươn xa hơn ra những ngư trường rộng lớn.

Hiện 5 người con trai của cụ đã gầy dựng được “đội tàu gia đình” gồm 5 tàu đánh bắt xa bờ. Những người con trai của cụ từ ông Bùi Chí Thanh (60 tuổi, con trai đầu) và người con út Bùi Đình Đảo (45 tuổi) đều đã giàu lên từ những chiếc tàu công suất lớn (từ 500-800 CV) của mình. Nhìn cuộc sống sung túc, con cháu được ăn học tử tế và những ngôi nhà bề thế được xây nên từ những chuyến biển của các con, cụ Chình nhìn ra cửa biển nở nụ cười mãn nguyện…

Ngoài gia đình cụ Chình, dòng họ Bùi còn có gia đình ông Bùi Đình Chính cũng có “đội tàu gia đình” gồm 3 chiếc (công suất từ 450 CV đến gần 900 CV). 3 người con trai ông Chính đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến biển từ tàu đánh bắt xa bờ của mình. Ông Chính bị cụt một chân do vấp bom mìn trong chiến tranh.

Nhưng theo ông Chính, ở vùng biển này ngày xưa, nếu không làm nghề biển thì không thể lo đủ cái ăn cho gia đình. “Tôi cũng đi biển như người ta, ban đầu khổ lắm vì không có được sức khỏe tốt. Sau này may đóng được chiếc thuyền, làm chủ nên cũng đỡ”, ông Chính cho hay. Năm nay đã 68 tuổi và mới nghỉ đi biển cách đây vài năm, tuy nhiên theo ông Chính “trong năm 2016 tôi cũng đã đi 2 chuyến khơi ở ngư trường Hoàng Sa, chủ yếu là “tăng cường” trợ giúp kinh nghiệm cho các con”.

Trong số 3 người con trai có tàu lớn của ông Chính, thì người con trai thứ 2 là anh Bùi Đình Huệ đang đóng con tàu vỏ thép được xem là lớn nhất đến thời điểm này ở Cửa Việt. “Mùa này tàu lớn chúng tôi đều đi biển hết. Cỡ bão tố cấp 7- 8 chúng tôi vẫn bám biển, áp thấp thì tìm nơi trú ẩn, chỉ khi có bão lớn mới trở về bờ. Nghề này mà không có gan lỳ chí lớn thì không thể trụ được. Một điều ít ai biết là ngoài khơi lúc sóng gió lớn thì hải sản đánh bắt được mới nhiều hơn”, anh Huệ cho hay.

Ngư trường thiêng trong mỗi ngư dân

 Hôm chúng tôi ghé Cửa Việt trời sầm sập mưa gió. Thế nhưng theo những lão ngư ở đây thì “các tàu lớn vẫn đều đang bám trụ ngoài khơi”. May mắn thay, chúng tôi được gặp anh Bùi Đình Huệ- người vừa bán chiếc tàu vỏ gỗ để đầu tư đóng mới chiếc tàu vỏ thép để vươn khơi- nên vẫn ở nhà để trông coi việc đóng tàu. Dẫn chúng tôi tham quan chiếc tàu vỏ thép đồ sộ đang hoàn chỉnh những công đoạn cuối cùng, anh Huệ tự hào cho biết: “Chiếc tàu vỏ thép này có chiều dài 31 m, rộng 8 m, mớn nước 3,5 m, công suất gần 900 CV. Tổng kinh phí đóng mới trên 19 tỉ đồng.

Dự kiến áp tết sẽ hạ thủy và sau tết sẽ vươn khơi chuyến biển đầu tiên”. Anh Huệ kể rằng, vươn khơi xa hiện nay thường gặp nhiều rủi ro hơn so với trước, nhất là ở ngư trường Hoàng Sa, đặc biệt là từ khi tình hình trên Biển Đông trở nên căng thẳng. “Hầu như rất nhiều tàu của ngư dân ta ít nhiều đều bị tấn công cướp phá ngư lưới cụ, xua đuổi, đe dọa khi hành nghề hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Chưa kể máy móc thiết bị, chỉ tính riêng ngư lưới cụ thôi, mỗi lần bị phá hoại, cướp mất cũng thiệt hại lên đến cả trăm triệu đồng. Nhưng không vì thế mà chúng tôi run sợ, phần lớn các tàu đều cố gắng bám biển đến cùng, quyết không lùi bước”, anh Huệ tâm sự.

Theo anh Huệ và những ngư dân Cửa Việt, các ngư trường xa của Tổ quốc luôn được họ xem như là “những ngư trường máu thịt rất đỗi thiêng liêng trong mỗi trái tim ngư dân, đặc biệt là ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa”. Bởi họ bám biển ngoài nuôi sống gia đình, vươn lên làm giàu thì sự hiện diện của những tàu cá của ngư dân còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 Chúng tôi cùng ông Bùi Đình Cảm, trưởng tộc họ Bùi và cha con ông Bùi Đình Chính băng qua mấy quả đồi cát vi vút rặng phi lao ghé thăm ngôi nhà thờ họ mới được sửa chữa và xây dựng mới phần cổng tam quan khang trang ở làng Hà Lợi Trung- làng cũ của thôn Tân Lợi bây giờ. Ngôi nhà thờ họ bề thế, uy nghi, cổ kính này được xây dựng từ sự chung tay đóng góp của con dân trong dòng họ. Ông Cảm khăn đóng áo dài chỉnh tề kính cẩn thắp những nén nhang thơm lên bàn thờ tiên tổ.

Quyện trong làn khói nhang ấm áp, ông Cảm xúc động nói: “Cũng nhờ công đức tổ tiên, mẹ biển phù hộ và đức tính cần cù, lanh lợi của bao đời ngư dân mà cuộc sống của con cháu chúng tôi mới được sung túc như bây giờ. Gìn giữ truyền thống của dòng tộc, mỗi người con của dòng họ Bùi dù làm gì đi nữa cũng luôn ghi nhớ công đức của tổ tiên mà nỗ lực vượt sóng vươn xa để xây dựng tương lai ngày càng tươi đẹp”.

Ngoài biển, những lớp sóng vẫn nối đuôi nhau vỗ bờ cát và những con thuyền lại hiên ngang đạp sóng ra khơi với lá cờ Tổ quốc tung bay ngạo nghễ. Lớp con cháu ngư dân dòng họ Bùi cũng vậy, ở họ luôn đau đáu một khát vọng chinh phục biển khơi và gắn trái tim mình nơi những ngư trường máu thịt…