Câu chuyện của người cha này được chia sẻ tại buổi toạ đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?” do nhiều tổ chức xã hội làm phòng chống bạo lực giới tổ chức ngày 14.3.
Anh cho biết, 2 năm trước, khi con gái anh 3 tuổi, sang hàng xóm chơi và đã bị người hàng xóm dâm ô. Khi đó, anh đã sang chất vấn người hàng xóm và ông ta đã nhận, viết cả giấy ghi lại lỗi của mình. Lúc đầu, anh chỉ yêu cầu gia đình họ xin lỗi con gái mình nhưng gia đình đó đã không thực hiện. Do đó, anh đã tố cáo tới công an. Con gái anh được đưa đi kiểm tra y tế và kết luận có dấu vết dâm ô, gây ra trầy xước.
Cuối năm 2016, anh đã được công an thông báo khởi tố bị can. Nhưng hơn 1 tháng trước, khi công an về xã làm việc với người hàng xóm đó, ông ta không ra. Vụ việc tiếp tục rơi vào im lặng.
“Đã gần hai năm, vụ việc vẫn không có kết quả. Em uất lắm. Tại sao kẻ gây ra hành vi xấu xa như vậy lại không được xử lý? Con em chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng nếu luật pháp bỏ qua, sẽ có thêm nhiều bé gái nữa chịu nỗi đau như thế này” - người đàn ông này nghẹn ngào.
Các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: DL
Về những nỗi đau mãi không tìm được sự công bằng, TS Khuất Thu Hồng cho biết, đưa các vụ việc ra ánh sáng không với mục đích trả thù mà chúng ta cần lên án, trừng trị để xây dựng một môi trường an toàn cho con cháu chúng ta sau này.
Theo TS Hồng, nền văn hoá của chúng ta đang có quá nhiều phi lý. Chúng ta đòi hỏi các cô gái phải có trinh tiết nhưng lại lẩn tránh lên án các vụ xâm hại tình dục. Ngay cả những vụ loạn luân thì mẹ hay người thân khác vẫn im lặng vì vấn đề danh sự, sợ tai tiếng, thậm chí sợ gia đình tan vỡ… Với các vụ xâm hại tình dục, xã hội lại quay sang lên án nạn nhân dễ dãi, lẳng lơ, ăn mặc hở hang, đi chơi khuya...
“Chúng ta đòi hỏi vô lý là phụ nữ phải có trách nhiệm về tiết hạnh của mình. Nhưng trẻ em thì làm sao tự bảo vệ nếu người lớn chúng ta không tạo cho các em một môi trường sống an toàn?” - TS Hồng nói.
Luật sư Lê Văn Luân (đang trợ giúp pháp lý cho vụ việc em bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, điều vô lý trong các vụ xâm hại tình dục hiện nay là các cơ quan điều tra đòi hỏi phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại. “Đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm sao để lại dấu vết” - luật sư Luân chia sẻ.
Trừ trái sang phải: Ông Nguyễn Trọng An (chuyên gia làm việc về trẻ em), TS Khuất Thu Hồng, luật sư Lê Văn Luân.
Luật sư Luân cho biết, theo Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với các vụ dâm ô thì điều tra cần dựa vào nhân chứng, thực hiện hiện trường, nhận dạng, lời khai của nạn nhân, chất vấn kẻ gây án… Ngoài ra, luật sư Luân cũng cho biết, theo quy định của pháp luật, các vụ việc xâm hại tình dục không được hoà giải, cũng như không chờ đợi vào sự tố cáo của nạn nhân hay gia đình nạn nhân. Chỉ cần có người phát hiện ra là có thể điều tra được.
Cuộc toạ đàm đã dẫn thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cho thấy, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế, nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Theo các đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng vấn đề quan trọng là phản ứng và hành động của nhiều bên liên quan như cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan hành pháp, tổ chức xã hội, truyền thông và gia đình. Thực tế cho thấy, khi các trường hợp này xảy ra, các phản ứng và hành động của các bên liên quan đã chưa được kịp thời và hiệu quả, dẫn tới thiếu các hoạt động can thiệp phù hợp. Sự chậm trễ này đã tạo nên những hậu quả to lớn về tâm lý, sức khỏe, gia đình của các cháu cũng như ảnh hưởng lâu dài cho xã hội. |