Đó là nhận xét của nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến - giáo viên tham gia dạy nghề thợ thủ công gốm sứ làng Ngòi, xã Tư Mại (Yên Dũng, Bắc Giang) tại buổi bế giảng lớp dạy nghề thợ thủ công gốm sứ đầu tháng 9.2011. Lớp học này được hỗ trợ bởi Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956.
Người dân làm gốm ngay sau khi học nghề. |
Nghệ nhân đề nghị mở lớp
Anh Khuyến chính là người đã đề xuất với Sở LĐTBXH Bắc Giang, lãnh đạo huyện Yên Dũng xin mở lớp đào tạo nghề làm gốm cho lao động nơi đây. Đề nghị của anh Khuyến đã nhanh chóng được chấp nhận, 2 lớp dạy nghề làm gốm đầu tiên theo Đề án 1956 đã được khai giảng tại làng Ngòi, mở ra cơ hội phát triển nghề gốm nơi đây.
Theo anh Khuyến, việc mở được lớp học nghề gốm ngay tại làng gốm không phải dễ, bởi tiếng là làng nghề nhưng hầu hết người dân lại làm ruộng. Vì thế, anh Khuyến phải đứng ra vận động rất nhiều. Lớp học tập hợp được 70 học viên, phần lớn là nữ đang trong độ tuổi lao động.
Với cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, lý thuyết đi đôi với thực hành nên học viên rất hào hứng. Toàn bộ số học viên trong lớp học đều được thực hành tại cơ sở sản xuất đồ gốm của nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến- cũng chính là giáo viên trực tiếp giảng dạy, cộng thêm mỗi học viên được trợ cấp 30.000 đồng/người/ngày nên học viên tham gia nhiệt tình và đầy đủ. Sau hơn 3 tháng, lớp học đã kết thúc với 85% số học viên tốt nghiệp loại khá và giỏi.
Anh Lưu Văn Khôi - học viên lớp học chia sẻ: “Lớp học này dễ tiếp thu, không có nhiều lý thuyết "rắc rối" mà chủ yếu thực hành, chúng tôi được làm ngay sản phẩm chính hiệu nên mọi người rất say mê. Quan trọng nhất là sau đó được tạo việc làm ngay”. Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến thì cho biết : “Tôi sẵn sàng nhận tất cả học viên làm việc tại lò gốm của mình với mức lương 2.000.000 đồng/người/tháng, đồng thời tư vấn, truyền nghề cho những ai muốn mở lò gốm tại làng”.
Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ 19.5 Bắc Giang - một trong các trường nghề trong cả nước được Tổng cục Dạy nghề đưa vào danh sách tham gia Đề án 1956 đã tham gia biên soạn giáo trình, giám sát lớp học và cấp chứng chỉ nghề cho các học viên tốt nghiệp.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Dẫu các lớp học được bà con hoan nghênh, nhưng vẫn vướng nhiều khó khăn. Cái khó trước hết là ở nhận thức của bà con. Mà theo nghệ nhân Khuyến thì: “Thay đổi được nhận thức của dân làng về nghề thủ công này là thành công lớn nhất của lớp học!”.
So với các làng gốm cổ khác thì gốm làng Ngòi là “thương hiệu” khá mới mẻ nhưng cũng nổi tiếng vì sự độc đáo. Ông Lưu Xuân Khuyến cho biết, cái “lạ” của gốm làng Ngòi là có hoa văn gốm đắp nổi. Nghệ nhân của làng cũng đồng thời là hoạ sĩ với những bức tranh gốm độc đáo… Tuy nhiên, nghề gốm ở đây không “lan” được rộng vì người dân không tự mình tìm được đầu ra cho sản phẩm, không tổ chức được sản xuất.
“Có lớp học này, chúng tôi mới được học kỹ thuật, học tổ chức sản xuất, kinh doanh và làm nghề” – anh Khôi nói. Bên cạnh đó nghề gốm là nghề đòi hỏi trình độ tay nghề cao, vì vậy theo nghệ nhân Khuyến thì cần phải có những lớp học tiếp theo cung cấp nhiều hơn nữa kiến thức mới có thể đáp ứng được yêu cầu của nghề.
Khó khăn về mặt bằng mở rộng quy mô sản xuất cũng là điều mà nghệ nhân Khuyến băn khoăn: “Tôi muốn dân làng thấy nghề gốm sẽ trở thành một nghề chung của cả làng chứ không phải của riêng tôi. Tôi cũng mong muốn làng sẽ có thêm nhiều lò gốm nữa để làng Ngòi trở thành một địa danh nổi tiếng về gốm. Tuy nhiên, nếu tổ chức sản xuất trong làng sẽ rất chật chội, cần có quy hoạch cụ thể để người dân phát triển nghề bài bản!”.
Đức Anh - Ngô Xuân