Dân Việt

Ám ảnh cuộc gọi của người mẹ có con tử tự sau khi bị xâm hại tình dục

Thùy Anh 15/03/2017 15:34 GMT+7
"Nửa đêm chuông điện thoại reo. Đầu kia, một phụ nữ nức nở rằng con chị đã tự tử sau khi bị xâm hại tình dục..." - bà Lê Thị Thảo – Nhân viên tư vấn, Trưởng ca (Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 kể lại những cuộc điện thoại khiến chị ám ảnh.

Bà Thảo cho biết, trải qua hơn 10 năm làm công việc tư vấn, có những cuộc điện thoại khiến bà gần như tê liệt cảm xúc vì đau đớn, ám ảnh. 

“Đó là một cuộc gọi lúc nửa đêm, mình đang chuẩn bị đi ngủ thì chuông điện thoại kêu. Từ đầu dây bên kia tiếng một người phụ nữ chừng 30 tuổi (ở Cà Mau) nghe rất não nề, mệt mỏi đề nghị được hỗ trợ tâm lý.

Chị cho biết, chị là mẹ của nạn nhân bị xâm hại tình dục. Con chị mới 15 tuổi và đã tự tử bởi quá uất ức vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần, nhưng kẻ phạm tội không được trừng trị. Nhiều khả năng kẻ phạm tội đã chạy án.

Qua câu chuyện, người mẹ có kể lại, mặc dù bị xâm hại rách màng trinh, nhưng cơ quan pháp y lại không tìm thấy bằng chứng là tinh trùng của kẻ xâm hại, do vậy không thể kết luận thủ phạm.

Trong khi đó, gia đình thì cũng không có kiến thức để chăm sóc về mặt tâm lý cho con mà chủ yếu chỉ muốn theo đuổi vụ kiện, giành công lý cho con mình. Do vậy, thủ phạm vẫn cứ nhởn nhơn bên ngoài mà trẻ thì không được trị liệu tâm lý, quan tâm đúng mức. Cùng với đó là sự mặc cảm do những lời chỉ chỏ, dèm pha của mọi người khiến cháu uất ức phải uống thuốc tự tử.

Cháu đã viết lại một bức thư để lại cho gia đình rằng nếu thủ phạm mà không bị trừng trị thì con chết không nhắm mắt” - Bà Thảo kể một cách đau xót. 

Thống kê của Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Cục Bảo Vệ  và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH) cho thấy trung bình mỗi tháng, đơn vị này tiếp nhận 10 cuộc gọi cần tư vấn hỗ trợ về xâm hại tình dục trẻ em.

img

Có những nạn nhân đã phải tự tủ vì bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe lẫn tinh thần sau khi bị XHTD (Ảnh Internet)

Một câu chuyện khác cũng khiến bà Thảo day dứt.

“Vụ việc xảy ra vào tháng 10.2016, nhưng sau đó 2 tháng người thân của nạn nhân bị xâm hại tình dục mới gọi qua đường dây. Gia đình cho biết cháu bé sinh năm 2004, ở Đắc Nông, khi bị xâm hại cháu mới 12 tuổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn,  trước đây cháu ở Quy Nhơn nhưng khi bố mẹ ly hôn thì cháu theo mẹ đến Đắc Nông làm thuê. Tại đây, cháu bé đã bị một thanh niên cũng ở tỉnh khác đến làm thuê xâm hại tình dục nhiều lần. Khi mẹ thấy con gái nôn ọe mới sinh nghi thì lúc đó cháu đã có thai 6 tuần.

Lúc đầu người mẹ cũng không biết đến đường dây hỗ trợ trẻ em và cũng không có kiến thức để thông báo với chính quyền địa phương. Vì vậy chị tự đưa con đến cơ sở y tế tư nhân để phá thai chui. Lúc biết tới đường dây thì sự việc đã rất tồi tệ. Cháu bé bị người ta phá thai không đảm bảo nên người xanh xao, sợ sệt, băng huyết liên tục.

Người mẹ còn kể lại cảnh, có lúc hai mẹ con còn không có tiền mua thuốc, phải ăn mì tôm. Bản thân chị cũng phải nghỉ làm để ở nhà trông con vì con gái chị đã bị sốc nặng cả về thể chất lẫn tinh thần, sức khỏe rất yếu.

Mặc dù sau đó gia đình bên xâm hại cũng có đưa cho một số tiền nhỏ, mua thuốc nhưng chị vẫn muốn đưa vụ việc ra pháp luật.

Tuy nhiên, chia sẻ với tôi, chị cho biết chị rất muốn đưa vụ việc ra ánh sáng, chị và con gái rất sợ bị trả thù, vì chị là dân di cư từ nơi khác đến, không có mối quen hệ quen biết để nương tựa. Nếu không cẩn thận thì sẽ bị kẻ xâm hại trả thù và bị người tại nơi bản địa đàm tiếu" - bà Thảo kể lại.

Theo bà Thảo, sau đó, các cán bộ đường dây đã kết nối với địa phương và phòng Lao động, chính quyền cũng đã quan tâm chăm lo cho hai mẹ con cô ấy. Nhưng do sợ trả thù nên hai mẹ con vẫn mong muốn được về quê sinh sống. Nhưng lại sợ về quê thì không có chỗ ở.

"Một đứa trẻ mới 12 tuổi đã phải trải qua gần như tất cả sự đau đớn nhất trong cõi đời này. Tôi luôn bị ám ảnh bởi gương mặt tái mét, sợ hãi của cháu gái đáng thương ấy" - bà Thảo ám ảnh. 

Bà Thảo chia sẻ, để những nỗi đau như vậy không còn tiếp diễn, người lớn phải tích cực hơn nữa trong việc truyền thông và đưa những kẻ xâm hại tình dục ra pháp luật. Như vậy mới có ý nghĩa răn đe, ngăn chặn sớm. 

“Năm 2016, đường dây đã tiếp nhận hơn 300.000 cuộc gọi và hỗ trợ can thiệp cho 86 ca trẻ bị xâm hại tình dục (chiếm tới 35% tổng số ca được can thiệp). Riêng trong tháng 1.2017 Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã tư vấn hỗ trợ cho 36 ca liên quan tới xâm hại tình dục”.

Bà Nguyễn Thuận Hải – Trưởng phòng Dịch Vụ - Tư vấn Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567