Ngày 15.3, ghi nhận của PV Dân Việt, tại khu vực 2 thôn Tân Quý và Suối Cam (xã Cam Thành Bắc, Cam Lâm), tình trạng thủy sản chết la liệt gần bờ, trong tình trạng phân hủy bốc mùi nồng nặc. Một số hộ dân đang vớt những xác thủy sản chết làm thức ăn cho gà, vịt.
Thủy sản chết hàng loạt, người dân lỗ hàng trăm triệu đồng
Theo phản ánh của các hộ nuôi trồng tại đây, thủy sản nuôi bị chết là do nước thải của nhà máy đường Khánh Hòa (thuộc Công ty CP đường Khánh Hòa) đổ ra đầm Thủy Triều, nơi bà con đang nuôi trồng.
Ông Nguyễn Văn Phúc (thôn Suối Cam, xã Cam Thành Bắc) than thở: “Mất sạch hết rồi, không còn tiền để nuôi lại vụ mới, nuôi con ăn học và trả nợ cho công lao động, ngân hàng”.
Theo ông Phúc, tối 12 - rạng sáng ngày 13.3, gia đình lấy nước từ đầm Thủy Triều vào ao nuôi ốc hương và tôm thẻ chân trắng. Đến trưa ngày 13.3 thì thấy ốc hương và tôm thẻ chân trắng bị chết rải rác; kiểm tra nước thấy nước có màu đen sẫm, mùi hôi khó chịu. Phát hiện thủy sản có dấu hiệu bị chết, ông cũng chạy khắp nơi mua thuốc về xử lý nhưng tình trạng trên không hề thuyên giảm mà còn chết nhiều hơn, cao điểm là ngày 14.3.
Vụ này, ông Phúc nuôi 4,3 sào tôm thẻ chân trắng và 4,2 sào ốc hương. Ốc hương của ông nuôi được hơn 7 tháng và tôm thẻ chân trắng nuôi gần 2 tháng, cả 2 đối tượng này đều chuẩn bị cho thu hoạch. Chỉ tay vào ao nuôi của mình, ông cho biết thêm, nghe giá ốc hương giá lên cao khoảng 250.000 đồng/kg, nghe tin này cũng mừng thầm, dự tính khoảng 10 ngày nữa sẽ xuất bán cho thương lái. Ngờ đâu, cả ốc hương và tôm thẻ chân trắng bị chết sạch sẽ vớt lên bán không ai dám mua, gia đình bị lỗ nặng, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn An (thôn Suối Cam, Cam Thành Bắc) cho hay, gia đình lấy nước vào đêm 12.3 và rạng sáng 13.3 để đưa vào ao, đến ngày 13 thì phát hiện toàn bộ 3 ao nuôi tôm thẻ nổi trắng đìa. Vụ này, ông đầu tư hơn 400 triệu đồng, số vốn trên đều vay của ngân hàng, gia đình nuôi tôm được 1,5 tháng mấy ngày trước nhìn thấy tôm phát triển mạnh cũng phấn khởi, sau khi lấy nước vào ban đêm thì gặp sự cố như vậy, trở tay không kịp nên tôm chết hàng loạt, hiện gia đình điêu đứng không còn tiền trả nợ. Sáng nay, ông đã làm đơn gởi lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Bà Trần Thị Cúc (thôn Tân Quý, Cam Thành Bắc, sống gần tường rào xi măng nhà máy đường Khánh Hòa) cho biết, nước thải chảy ra ngoài qua kẽ tường như thác đổ. Dân không ai chịu nổi, nước mới rút tối qua (14.3).
Ông Nguyễn Khả Trọng – Trưởng thôn Suối Cam nói: “Từ xưa đến nay, chưa có lúc nào tình trạng thủy sản nuôi chết nhiều như vậy. Không những có cá dìa, cá chẽm, cá mú bị chết, mà còn có cả ốc hương và tôm thẻ chân trắng cũng bị chết trên đầm Thủy Triều”.
Theo ông Trọng, các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây đều vay vốn từ ngân hàng để sản xuất, giờ thủy sản chết, bị mất trắng tay. Cũng theo ông Trọng, ai gây ra ô nhiễm chết cá, cần phải bồi thường kịp thời cho các hộ bị thiệt hại để người dân tái sản xuất. Còn ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho hay, hiện đã nắm bắt tình hình và cử các cán bộ xuống kiểm tra mức độ thiệt hại của các hộ dân.
Theo báo cáo của ông Dương Công Tiễn - Giám đốc nhà máy đường Khánh Hòa, vào khoảng 9 giờ ngày 13.3, nhà máy đường bị gặp sự cố nước thải, do đó lượng nước thải bị tràn vào mương thoát nước mưa. Sau đó, nhà máy đã chặn các cửa thoát nước mưa ra đầm Thủy Triều. Nước thải trong mương thoát nước mưa bị dâng lên thấm qua tường rào 6m phía Bắc của nhà máy ra đầm Thủy Triều. Nhà máy đề nghị UBND huyện Cam Lâm thông báo cho người dân không lấy nước từ đầm Thủy Triều vào các ao đìa nuôi thủy sản…