Tại buổi tọa đàm Chống xâm hại tình dục trẻ em (do Đại học Văn Hiến, Báo Tiền phong tổ chức sáng 16.3), TS.Trần Thị Kim Xuyến, Phó khoa KHXH&NV, Đại học Văn Hiến nhìn nhận các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em không phải mới đây mà đã diễn ra từ rất lâu. Các vụ việc chưa được xử lý thỏa đáng, triệt để nên gây lo ngại cho phụ huynh, xã hội. Các con số thống kê cho thấy số vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện ít hơn rất nhiều so với thực tế.
Tiến sỹ tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng cần tạo sự an toàn trong tâm hồn cho những đứa trẻ bị xâm hại tình dục.
TS. Xuyến đưa ra thống kê đáng buồn, từ năm 2011 – 2015 có hơn 5.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, ước tính khoảng 8 phút lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng giảm xuống. Trong khi đó những nơi bị xâm hại không chỉ ở nơi công cộng mà còn ở nơi các em sống, học tập, người xâm hại không chỉ người lạ mà còn cả người thân quen. Hình thức xâm hại không chỉ gây tổn thất về thể chất mà còn cả về tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý trẻ sau này. Đáng buồn hơn, khi trẻ bị xâm hại thì việc đến trình báo xử lý rất ít vì sợ bị kỳ thị, phân biệt, người lớn cũng đã vô tình không tin các em để các em bị đơn độc, đây chính là lý do 2/3 trẻ em khi bị xâm hại không dám nói ra.
Theo ý kiến của TS. Xuyến, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng này diễn ra đó là: Việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh; im lặng thờ ơ dung túng cái xấu; tránh nói chuyện về sinh lý sức khỏe sinh sản; các tổ chức cơ quan, xã hội chưa giáo dục kỹ năng sống cho trẻ… Bà nhấn mạnh phụ huynh cần nói với con cái về vấn nạn, biểu hiện xâm hại tình dục, đồng thời có trách nhiệm tạo ra sự an toàn cho các em.
Còn tiến sỹ tâm lý Phạm Thị Thúy đánh giá việc xâm hại tình dục trẻ em để lại hậu quả rất ghê gớm. Khi trẻ bị nạn, các bậc cha mẹ cần làm ngay việc hỗ trợ về mặt tâm lý để trẻ bình tĩnh lại bởi quan trọng nhất lúc này là tạo bình an trong tâm hồn đứa trẻ, tránh vặn hỏi thái quá, gây lo lắng hay thù hận nhiều dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ cho trẻ.
Bà đánh giá phụ huynh hiện nay thấy bất an nhiều quá nên nhìn đâu cũng đề phòng, khi gặp trường hợp này càng làm cho trẻ nghi ngờ, mất lòng tin vào các mối quan hệ xã hội xung quanh. Để hạn chế tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, các phụ huynh cần dạy trẻ các kỹ năng để tránh bị người khác làm tồn thương. Đặc biệt cha mẹ cần nói chuyện với con mỗi ngày để hiểu con, biết được những lo lắng của con để kịp thời phát hiện xử lý.
Tương tự, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho trẻ về xâm hại tình dục, cha mẹ cần hạn chế việc bảo bọc quá mức đối với con mà nên để con tự do phát triển với bên ngoài. Các bậc cha mẹ cũng nên sắp xếp thời gian trò chuyện với con hàng ngày để kịp nắm các diễn biến của con. Các trường học cần đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào nội dung giảng dạy, đồng thời tăng cường tuyên truyền thông qua các hoạt động trợ giúp tâm lý, các hoạt động xã hội.
“Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em rất quan trọng, xã hội cần nhìn nhận một cách tích cực hơn và đẩy mạnh hoạt động này. Các em cần được dạy cách tự bảo vệ mình, cần được ra ngoài tiếp xúc nhiều hơn. Thời gian qua nhóm của tôi đã dạy các kỹ năng cho trẻ em ở hàng trăm trường học tại thành phố, tuy nhiên vẫn còn một số trường chưa mặn mà với điều này”, tiến sỹ tâm lý Lê Thị Minh Trang, Học viện Cán bộ TP.HCM chia sẻ.