Nông dân Lào Cai đầu tư ngày càng nhiều cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tôi gặp cựu chiến binh Phạm Văn Hinh, sinh năm 1966, thôn Hùng Xuân 1, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng cách đây 2 năm, khi đó vẫn đang dành gần như toàn bộ quỹ thời gian lao động, tiền bạc cho chăn nuôi trang trại lợn thịt và gia cầm với quy mô hàng trăm con. “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, anh Hinh nuôi lợn nhưng chẳng thể nhàn nhã như người xưa nói, ngày nào anh cũng lao động đến hơn 10 tiếng đồng hồ, làm việc từ sáng sớm đến tối mịt mới được nghỉ. Trò chuyện với phóng viên, khi đó anh Hinh bộc bạch: “Được tặng đôi giày mới mà gần một năm tròn chưa có cơ hội đi lần nào. Ngày nào cũng quanh quẩn bên các loại chuồng trại”.
Mới đây gặp lại anh Hinh, tôi không thể tin nổi vào mắt mình, áo trắng cổ cồn, comple là lượt, anh bước ra từ ô tô du lịch để thị sát hoạt động thi công tại một dự án xây dựng hạ tầng giao thông. Thấy tôi còn đang “mắt tròn, mắt dẹt”, anh Hinh cười hỉ hả: “Mình làm được cái này (xây dựng cơ bản - PV) cũng là nhờ con lợn, con gà mà có đồng vốn”. Rồi anh thông tin thêm rằng, trang trại vẫn duy trì và phát triển, hoạt động đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc tại huyện Bảo Thắng vẫn đang được xúc tiến, tham gia xây dựng cơ bản là lĩnh vực bổ trợ.
Ở vùng đất có thế mạnh chăn nuôi như Bảo Thắng, tính sơ sơ, những “đại gia” nông dân, “tỷ phú” nông dân như anh Phạm Văn Hinh có đến hàng trăm người. Đó là những cái tên như anh Trần Hồng Thanh, xã Phú Nhuận với cơ sở sản xuất giống gia cầm lớn nhất tỉnh tính đến nay; anh Nguyễn Văn Tuynh, xã Xuân Giao luôn đạt kỷ lục số trâu, bò trong chuồng trên 200 con; anh Lê Mạnh Quý, Giám đốc Hợp tác xã Quý Hiền - Bảo Thắng không chỉ liên kết các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, mà còn là “đại gia nuôi lợn” khi đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập lợn nái ngoại, xây dựng mô hình sản xuất hơn 10.000 lợn giống mỗi năm.
Ngoài Bảo Thắng, các huyện, thành phố luôn có những nông dân đại phú vốn xuất thân từ đói nghèo như bà Hoàng Thị Chắp, xã Cốc San; ông Giàng Văn Dín, xã Quang Kim, huyện Bát Xát; ông Làn Mậu Thành, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương; ông Hoàng Vư, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương; ông Vương Văn Tân, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa; ông Bàn Văn Long, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên; bà Vũ Thị Sự, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà...
Những nông dân “đại gia”, nông dân “tỷ phú” ở Lào Cai ngày nay không còn sản xuất, kinh doanh bằng kinh nghiệm bản thân, nhờ thông tin mà họ sẵn sàng đặt vé máy bay tới Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên để tham gia hội thảo sản xuất hay tự bỏ tiền túi đi tới nhiều tỉnh, thành phố để học tập mô hình cấy trồng, chăn nuôi. Những nông dân ngày nay rất ít thời gian nghỉ ngơi bởi khi không lao động chân tay họ lại phải dành thời gian cho hoạch định, quản trị, truy cập Internet để bổ trợ kiến thức, cập nhật thông tin thị trường, thậm chí là theo học đại học từ xa.
Nông dân Lào Cai đầu tư ngày càng nhiều cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Làm giàu từ sản xuất nông nghiệp trước đây vốn chỉ là “chuyện cổ tích” thì nay đã thành sự thực, sản xuất nông nghiệp đang tạo sức hấp dẫn đặc biệt với các thành phần kinh tế, nhà đầu tư. Điển hình như tại huyện Bắc Hà có mô hình chăn nuôi và trồng rau xanh của Công ty TNHH Anh Nguyên với mức đầu tư lên tới 35 tỷ đồng, hay mô hình trồng hoa kết hợp với khai thác du lịch của Công ty TNHH kinh doanh xuất - nhập khẩu Việt Tú với mức đầu tư lên tới hơn 40 tỷ đồng. Tại Sa Pa, Bảo Yên, Bảo Thắng, nhiều dự án về sản xuất nông nghiệp quy mô hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng đã và đang tích cực triển khai các bước cần thiết. Sản xuất nông nghiệp không còn là “cuộc chơi may rủi”, nếu nhà đầu tư chọn giải pháp đúng đắn thì những rủi ro được hạn chế tối đa.
Nông dân phát triển sản xuất và trở thành ông chủ, trong khi nhiều ông chủ doanh nghiệp lại muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để trở thành “nông dân”. “Vâng! Tôi là nông dân”, đó không chỉ là câu cảm thán thông thường mà còn mang sức nặng, là tiếng vọng của lòng kiêu hãnh, của niềm tự hào về giá trị từ những con người biết vươn lên trong cuộc sống.